Đầu tư
Chiến lược để công nghiệp, thương mại - dịch vụ miền Trung bứt phá
Ngọc Tân - 31/07/2024 07:32
Miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp, song để các lĩnh vực này bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, cần có chính sách đồng bộ và tầm nhìn dài hạn.
Việc phát huy tiềm năng, lợi thế về biển sẽ tạo động lực để miền Trung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ

Xác định thế mạnh trụ cột

Các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung có tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng. Thế mạnh đó đến từ đặc điểm về địa hình, vị trí địa lý, trong đó nổi bật là các địa phương đều nằm ven biển, có nhiều vịnh nước sâu, nhiều bãi biển đẹp; có các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia đi qua như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Bắc - Nam. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn sở hữu sân bay, cảng biển nước sâu (Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây - Lăng Cô, Tiên Sa, Chu Lai, Dung Quất…), có khả năng kết nối giao thương khu vực và quốc tế.

Sở hữu những lợi thế nổi trội như vậy, nên hầu hết các địa phương ở miền Trung đều xác định công nghiệp, thương mại - dịch vụ (trọng tâm là du lịch, logistics) là lĩnh vực thế mạnh, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Thanh Hoá xác định du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo là 2 trong số 3 ngành kinh tế trụ cột phát triển. Trong đó, các ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh như lọc hóa dầu, hóa chất và nhựa; sản xuất thép, luyện kim được tập trung phát triển tại Khu kinh tế Nghi Sơn - một trong những khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước. Với du lịch, định hướng phát triển của Thanh Hóa là chú trọng phát triển du lịch biển.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

 “Xây dựng cơ chế đặc thù tập trung cho kinh tế biển”

- Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù tập trung cho kinh tế biển - lĩnh vực mà hầu hết các địa phương miền Trung có tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn các dự án trọng điểm cấp vùng, bao gồm dự án đầu tư công và dự án do nhà đầu tư, doanh nghiệp đề xuất nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa của vùng.

 

“Các tỉnh, thành phố cần liên kết để cùng phát triển”   

- Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị

Kế bên Thanh Hóa, Nghệ An cũng đặt trọng tâm phát triển vào công nghiệp (công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ) và du lịch. Đây là 2 trong 5 lĩnh vực trụ cột phát triển của tỉnh trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về công nghiệp, một trong 2 khu vực động lực tăng trưởng chính của Nghệ An là Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An - nơi tập nhiều “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo như WHA, VSIP, Hoàng Thịnh Đạt, Goertek Vina, Runergy PV Technology, Everwin, JuTeng… Về du lịch - dịch vụ, Nghệ An định hướng đẩy nhanh tốc độ phát triển các dịch vụ chủ lực về thương mại, du lịch, vận tải, kho bãi, logistics…

Tương tự, Quảng Ngãi xác định công nghiệp và thương mại - dịch vụ là 2 trong 3 ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định, phương hướng phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi là tiếp tục khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có, chủ lực là các ngành lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí… Đồng thời, đầu tư hoàn thiện và phát triển hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất.

Về thương mại - dịch vụ, Quảng Ngãi định hướng phát triển du lịch với hạt nhân là trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn; phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch biển. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các nước Đông Nam Á, đưa Quảng Ngãi trở thành một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông.

Sự thành công trong phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ (trọng tâm là logistics) của Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi thời gian qua đều gắn với các cảng biển nước sâu như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Dung Quất (Quảng Ngãi).

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ với đầy đủ các loại hình như đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không… cùng các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư cởi mở đã giúp các địa phương này thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Cần chiến lược dài hạn và đồng bộ

Không chỉ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, nhiều địa phương khác tại miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… cũng xác định công nghiệp và thương mại - dịch vụ (du lịch, logistics) là những ngành kinh tế mũi nhọn và hoạch định chính sách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát triển các lĩnh vực này.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang tập trung các nguồn lực để đầu tư, thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Quốc lộ 15D, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, đường ven biển kết nối Hành lang Đông Tây, khu bến cảng Mỹ Thủy, đặc biệt là sân bay Quảng Trị… Việc đầu tư các dự án này nhằm phát huy lợi thế về vị trí chiến lược của tỉnh (điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ ra biển của Lào và Đông Bắc Thái Lan), làm tiền đề thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của Quảng Trị như logistics, du lịch, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến - chế tạo…

Theo Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển đến năm 2030 của khu vực miền Trung là tập trung phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với các cảng biển, các đường quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước; phát triển các trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia trên cơ sở hệ thống cảng biển trong vùng và các hành lang vận tải quốc tế chính.

Đối với Đà Nẵng, trên cơ sở thế mạnh về kinh tế biển, Thành phố đang tập trung phát triển những ngành trọng điểm như logistics và các dịch vụ gắn với cảng biển; công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển, công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch nghỉ dưỡng biển và trong tương lai gần là thương mại phi thuế quan…

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, để đạt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển khu vực và vươn tầm quốc tế, Đà Nẵng đang mở rộng cảng Tiên Sa và xây dựng mới cảng Liên Chiểu. Bên cạnh đó, Thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn vào triển khai dự án để tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy ngành dịch vụ thương mại và công nghiệp phát triển…

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố tại miền Trung đã đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu hoạch định được hệ thống chính sách đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh có sẵn, lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp của miền Trung có thể bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, xây dựng kế hoạch năm 2024 của Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có 3 tiểu vùng; tiềm năng, thế mạnh của các địa phương tương đối đồng đều nhau. Do đó, các tiểu vùng phải “ngồi lại” với nhau, đề xuất cơ chế, chính sách cho vùng, quốc gia; đề xuất xây dựng công trình liên quan đến kết nối trong vùng và kết nối với các vùng khác.

“Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cần xác định ưu tiên lĩnh vực gì để cùng nhau nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách cho vùng”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị, Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ điều phối thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm, trong đó đẩy nhanh tiến độ các dự án đường bộ cao tốc còn lại đang được triển khai trên địa bàn; cũng như phân tích, điều phối lại các ngành mà khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh chung như logistics, du lịch, năng lượng tái tạo…

Nhận xét, tiềm năng lợi thế của các tỉnh, thành phố miền Trung cơ bản tương tự nhau, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, để tạo sự khác biệt trong phát triển, liên kết, các địa phương cần tạo ra những giá trị, lợi thế mới.

“Muốn liên kết phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ở miền Trung, trước hết cần phải có một thể chế vùng đủ quyền và đủ lực”, PGS-TS. Trần Đình Thiên góp ý. Đồng thời, vị chuyên gia này nhấn mạnh, các địa phương cần làm sao để các nhà đầu tư chất lượng chọn mình.

Tin liên quan
Tin khác