Quốc tế
Chiến lược gia "Mr. Yên": Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ có thêm quyết định bất ngờ
Đông Phong - 22/12/2022 17:43
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tiếp tục gây bất ngờ với quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ ngay đầu năm 2023, chiến lược gia tiền tệ kỳ cựu Eisuke Sakakibara cảnh báo.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh: AFP

Bất ngờ có thể đến vào tháng 1/2023

Giáo sư Eisuke Sakakibara từ Đại học Aoyama Gakuin (Tokyo) được biết đến với cái tên "Ngài Yên" (Mr. Yen) vì khả năng gây ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong nhiệm kỳ ông giữ vị trí Thứ trưởng tài chính Nhật Bản từ năm 1997 - 1999.

Sau pha điều chỉnh lợi suất trái phiếu bất ngờ vào ngày 20/12 vừa qua, GS. Sakakibara suy đoán rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ còn gây sốc thêm lần nữa tại cuộc họp chính sách sắp tới.

Theo dự đoán của GS. Sakakibara, đồng yên sẽ tăng giá lên mức 120 JPY đổi 1 USD khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu rút lại các thiết lập chính sách "siêu ôn hòa".

"Có lẽ cơ quan đó (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản) sẽ mở rộng biên độ (lợi suất trái phiếu - BTV)", ông Sakakibara trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg. "Ngài Yên" cho rằng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã "xúc tiến quá trình bình thường hóa chính sách sớm hơn một chút" trong tuần này.

Đồng yên tăng giá 4,8% trong ngày 20/12 khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên 0,5%, từ mức 0,25%. Trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã sụt giảm, trong khi tỷ lệ hoán đổi đối với khoản nợ chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên 0,74% do các nhà đầu tư ngần ngại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo để chấm dứt chính sách tiền tệ ôn hòa.

Đồng yên tiếp tục tăng giá 0,5% trong ngày 22/12, lên mức 131,78 JPY đổi 1 USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đối diện với sức ép phải thay đổi lập trường chính sách của mình. Rất ít nhà đầu tư dự đoán động thái "đảo ngược" sẽ đến sớm như vậy và phần lớn họ dự đoán Nhật Bản sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ sớm nhất vào tháng 1/2023.

Nhưng, "Thống đốc Kuroda thích gây bất ngờ", GS. Sakakibara bình luận về quyết định điều chỉnh lợi suất trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào ngày 20/12. Cơ quan này có thể sẽ tăng "khá đáng kể" biên độ lợi suất trái phiếu mà không đưa ra dự báo cụ thể, “Ngài Yên” lưu ý thêm.

Sức ép từ lạm phát

Trao đổi với Wall Street Journal, nhiều nhà phân tích cho rằng, sức ép lạm phát là căn nguyên chính dẫn đến quyết định gây sốc gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Các nhà đầu tư nước quả quyết rằng sự chênh lệch lớn giữa lãi suất của Mỹ và Nhật sẽ còn khiến Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda phải nhích lãi suất lên một chút. Năm 2022 chứng kiến đồng yên có thời điểm lao đáy trong hơn 3 thập kỷ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng vì Nhật Bản phải nhập khẩu nhiều dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và thực phẩm.

Chuyên gia kinh tế Ueno nhận xét rằng, quyết định tăng biên độ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vừa qua đã mang lại chiến thắng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại là một tổn thất đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Còn nhà phân tích Ryutaro Kono từ Ngân hàng BNP Paribas cho rằng, đồng yên suy yếu là nguồn cơn cho động thái này của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Trước khi có quyết định điều chỉnh biên độ lợi suất trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, phải mất hơn 137 JPY để đổi 1 USD trên thị trường ngoại hối, nhưng đến cuối ngày 20/12 ở Tokyo, đồng yên đã mạnh lên và chỉ cần 132 - 133 JPY đổi 1 USD. Cần lưu ý, đầu năm 2022 đồng yên giao dịch ổn định quanh mức khoảng 115 JPY đổi 1 USD.

Chuyên gia kinh tế Ueno lo ngại Thống đốc Kuroda sẽ thay đổi chính sách một cách đột ngột thêm một lần nữa mà không phát tín hiệu xem xét kỹ lưỡng nào.

Các nhà phân tích khác lập luận, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hãm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách gần đây với mức tăng 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,75 điểm phần trăm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ nhắm đến một "động thái" không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - biến nó trở thành "điểm nhấn" cho một năm 2022 bất thường của nền kinh tế toàn cầu, chứ không phải là "điềm báo" cho năm 2023.

Họ cho rằng Thống đốc Kuroda đã chịu áp lực lớn từ các nhà lập pháp khi chương trình nới lỏng tiền tệ bị đổ lỗi khiến giá điện và thực phẩm tăng cao.

Lạm phát Nhật Bản đạt 3,7% trong tháng 10/2022, thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết ông dự định kéo lạm phát xuống dưới 2% vào năm 2023.

Một số nhà phân tích cho biết nếu lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể cảm thấy bớt áp lực hơn khi tăng lãi suất trong năm tới.

Nhiều quan điểm khác cho rằng Thống đốc Kuroda đang dọn đường cho người kế nhiệm thực hiện những thay đổi sâu rộng hơn, chẳng hạn như đặt mục tiêu lạm phát linh hoạt hơn hoặc dần thay đổi quan điểm rằng lãi suất cần phải duy trì ở mức 0 cho đến khi lạm phát trở nên ổn định.

Với pha điều chỉnh lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, Thống đốc Kuroda nhiều lần khẳng định vào ngày 20/12 rằng vẫn còn quá sớm để nói về việc rút lại các thiết lập chính sách nới lỏng. "Chúng tôi hoàn toàn không có ý định tăng lãi suất hay thắt chặt chính sách tiền tệ", đại diện Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác