Thị trường chứng khoán toàn cầu xuất hiện các đợt bán tháo sau khi Nhật Bản nới rộng biên độ dao động lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm. Ảnh: AFP |
Tiếp tục chính sách tiền tệ siêu nới lỏng
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã khiến các thị trường mất cảnh giác bằng cách điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) để cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm (JGB) biến động 50 điểm cơ bản so với mốc mục tiêu 0%, tăng từ 25 điểm cơ bản so với trước. Động thái này nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp kích thích tiền tệ kéo dài thời gian qua.
Nó nhằm "cải thiện hoạt động của thị trường và hướng đến hình thành đường cong lợi suất mềm mại hơn, đồng thời duy trì các điều kiện tài chính phù hợp", Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nêu trong một tuyên bố chính sách.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã áp dụng cơ chế kiểm soát đường cong lợi suất từ tháng 9/2016, với mục đích nâng lạm phát lên mục tiêu 2% sau một thời gian dài trì trệ kinh tế và lạm phát thấp.
Khác so với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm 20/12 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức -0,1% và tuyên bố sẽ tăng đáng kể tỷ lệ mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, duy trì lập trường chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác đang ra sức tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát cao kỷ lục.
Việc điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất đã đưa đồng yên Nhật Bản và lợi tức trái phiếu trên toàn cầu đi lên.
Trái lại, chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương lại chìm trong sắc đỏ. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên giao dịch 20/12 với mức giảm 2,5%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng nhanh lên hơn 0,43%, mức cao nhất kể từ năm 2015.
Tại châu Âu, đến giữa phiên chiều 20/12, đồng đô la Mỹ đã rớt giá 3,3% so với đồng yên. Theo dữ liệu tiền tệ của FactSet, đồng yên đã đạt mức tăng trong một ngày lớn nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 3/1995.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng vọt, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 7 điểm cơ bản lên gần 3,66% còn trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng hơn 8 điểm cơ bản lên 3,7078%.
Chứng khoán châu Âu cũng ngập sắc đỏ, với chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 1% lúc đầu phiên trước khi thu hẹp mức giảm vào cuối phiên sáng. Các trái phiếu chính phủ châu Âu cũng bị bán tháo khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tăng gần 7 điểm cơ bản và giao dịch ở mức 2,2640%.
"Phép thử thị trường"
"Quyết định trên được coi là phép thử cho khả năng rút lại gói kích thích đã được bơm vào nền kinh tế (Nhật Bản - BTV) để cố gắng thúc đẩy nhu cầu và 'đánh thức' giá cả", bà Susannah Streeter, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại Công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown (Vương quốc Anh), đánh giá.
"Nhưng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn kiên quyết thực hiện chương trình mua vào trái phiếu của mình, điều này cho thấy đây chỉ là sự điều chỉnh tích cực, không phải là khởi đầu cho việc đảo ngược chính sách", bà Streeter phân tích.
Tương tự, Ngân hàng Mizuho cho rằng các phản ứng thị trường cho thấy giới đầu tư đã đặt cược một loạt vào chính sách "diều hâu" xoay trục từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nhưng các chuyên gia của Mizuho lưu ý rằng "việc đặt cược phổ biến như vậy không có nghĩa đó là thực tế chính sách, hoặc nhận thức về dự định chính sách".
"Thực tế, bản chất cơ bản của động thái trên hoặc thông cáo đi kèm không có gì xa lạ với quan điểm chính của chúng tôi rằng BoJ (Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BTV) sẽ điều chỉnh chính sách để giảm bớt áp lực đối với đồng yên, nhưng không trở nên quá diều hầu", ông Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho nhận định.
"Mọi nỗ lực được thực hiện để nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh chính sách đang được duy trì, cho dù điều này có liên quan đến dự định cũng như khả năng tăng cường mua vào trái phiếu hay đề xuất không mở rộng biên độ dao động của đường cong lợi suất nữa (so với hiện tại)", chuyên gia từ Ngân hàng Mizuho nói thêm.