Với chủ trương này, Ninh Thuận thực hiện chiến lược hướng biển đột phá về du lịch, tiếp đến là năng lượng tái tạo.
Kho vàng trên cát
Du lịch được đánh giá là “kho vàng trên cát” của Ninh Thuận. Nằm giữa tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt và Phan Thiết, với những điểm đến nổi tiếng như bãi biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy... nhưng tài nguyên này vẫn chưa được khai thác tối đa hiệu quả.
TP. Phan Rang - Tháp Chàm lung linh về đêm. |
TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn vùng Duyên hải miền Trung từng nhận định, thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển Ninh Thuận những lợi thế để phát triển ngành du lịch. Với bờ biển thoai thoải, sạch đẹp, với nhiều vùng biển sâu, nhiều chân núi đâm ra biển, kiến tạo nên những vũng, vịnh, cồn tuyệt đẹp, là yếu tố tuyệt vời để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Khi du lịch nghỉ dưỡng phát triển, lĩnh vực bất động sản sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư. Để đón đầu làn sóng này, Ninh Thuận đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị. Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2020 của Ninh Thuận đã xác định bất động sản là một trong 6 nhóm ngành được UBND tỉnh chú trọng, nhằm thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng và các khu đô thị hiện đại, tiện nghi.
Trên thực tế, một số khu đô thị mới ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã được nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Theo cơ quan chức năng Ninh Thuận, địa phương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, có thể kể đến Dự án Resort Spa nho, Dự án du lịch Bãi Thùng, Dự án Khu du lịch Bình Tiên, Dự án Khu du lịch sinh thái Resort Ganesa Ninh Thuận, Khu đô thị biển Bình Sơn Ninh Chữ và Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc...
Bứt phá từ dự án động lực
Có nhiều dự án mang tính động lực lan tỏa phát triển hạ tầng đô thị song song với phát triển kinh tế đang triển khai trên địa bàn Ninh Thuận như Khu đô thị mới Đông Bắc (Khu K1) và Khu đô thị biển Bình Sơn Ninh Chữ. Những dự án này, theo các nhà chuyên môn, có nhiều phân khúc cho sự lựa chọn của khách hàng từ đất nền đô thị, khu phức hợp văn phòng, khách sạn, khu thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng...
Theo Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, trên cơ sở hiện trạng của đô thị Phan Rang - Tháp Chàm, quy hoạch đô thị sẽ phát triển mở rộng so với quy hoạch cũ về hướng Tây Bắc ra ga Tháp Chàm, tạo thành trục không gian phát triển dọc theo Quốc lộ 27, nối đô thị cũ gắn với đầu mối ga xe lửa, sân bay, di tích Tháp Chàm và cụm công nghiệp. Hướng Đông ra biển, tạo thành trục không gian phát triển nội đô thị cũ, gắn với khu du lịch ven bờ biển từ khu Ninh Chữ đến cảng Cá.
Từ các hướng quy hoạch này, sẽ hình thành 3 khu đô thị: Khu đô thị cũ chủ yếu phát triển dọc Quốc lộ 1A, là trung tâm hành chính của tỉnh và thị xã. Khu đô thị mới phía Đông, chủ yếu phát triển ra biển, là trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch và cảng biển. Khu đô thị mới phía Tây Bắc, chủ yếu phát triển dọc theo Quốc lộ 27 ra ga Tháp Chàm, là trung tâm công nghiệp kho tàng và thương mại.
Theo lộ trình, thị xã Phan Rang sẽ đầu tư xây dựng cảng Đông Hải (2 ha) đạt công suất 50.000 tấn/năm; mở tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt và đầu tư nâng cấp sân bay Thành Sơn để phục vụ hoạt động hàng không dân dụng, tạo động lực phát triển cho thị xã, đồng thời mở rộng nhà máy nước hiện có từ 12.000 m3/ngày đêm lên 30.000 m3/ngày đêm đến năm 2005 và 60.000 m3/ngày đêm kể từ năm 2020.