Đầu tư
Chiến lược phát triển Quảng Nam nhìn từ quy hoạch không gian
Linh Đan - 16/03/2024 08:16
Với mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”, tỉnh Quảng Nam sẽ phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
TP. Hội An hướng đến là đô thị loại II với một số tiêu chí đặc thù.

Những “mũi tên” chiến lược của quy hoạch không gian

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội là đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”, phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây. Trong đó, vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển; là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo như kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Đây là nơi tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo. Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa. Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây gồm các huyện miền núi, là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới; đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trong Hành lang quốc tế Đông - Tây; tập trung đầu tư các trục quốc lộ liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển vùng Tây.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội là đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển”, phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai cụm động lực gồm Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh. Trong đó, Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP. Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy, nâng cao chất lượng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn; điều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục Quốc lộ 14B huyện Đại Lộc theo hướng kết nối, mở rộng thành các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, môi trường đảm bảo; phát triển không gian đô thị Điện Bàn và Hội An gắn kết với đô thị hóa của TP. Đà Nẵng, hình thành đô thị nghỉ dưỡng - giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò.

Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh sẽ kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiếp tục tái cấu trúc, đồng thời tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng tỉnh Quảng Nam hình thành 3 hành lang phát triển.

Đối với hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.

Đối với hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh, Quảng Nam tập trung công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với hành lang dọc Quốc lộ 14B và Quốc lộ 14E nối lên Quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Quy hoạch tỉnh xác định, đây là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Phát triển không gian du lịch trên thế mạnh của từng khu vực

Quảng Nam được định hướng phát triển không gian du lịch dựa trên giá trị và sự phân bố của các nguồn tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng và nhu cầu của khách du lịch trên 4 không gian chính.

Theo đó, không gian phát triển du lịch di sản văn hóa - lịch sử gồm Khu di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn, Khu di sản văn hóa thế giới Hội An, gắn với Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm. Không gian này sẽ khai thác thế mạnh du lịch văn hoá tham quan di tích, du lịch nghiên cứu văn hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm; bảo tồn và phát huy hợp lý các di sản văn hóa thế giới.

Trong khi đó, không gian phát triển du lịch ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình kết nối không gian du lịch Hội An trên cơ sở phát huy các giá trị tự nhiên sông - biển. Không gian này sẽ xây dựng các trung tâm hội thảo, hội nghị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân gôn cao cấp, các công trình thể thao tiêu chuẩn Olympic.

Còn không gian phát triển du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh sẽ tập trung bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển du lịch cộng đồng, ẩm thực địa phương. Không gian phát triển du lịch nông thôn ở những khu vực có điều kiện sẽ tập trung xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gắn với văn hóa vùng miền; duy trì hoạt động các làng nghề và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, OCOP, hướng đến trở thành các sản phẩm du lịch.

Đối với không gian biển, UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt là phát triển kinh tế biển; đồng thời, sớm triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được phê duyệt và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương ven biển trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, việc xây dựng quy hoạch cần chú trọng tính liên kết vùng, liên kết địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương ven biển phát triển mạnh về kinh tế biển. Đồng thời, quy hoạch không gian biển cần chú trọng sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển, cũng như đảm bảo bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là định hướng phát triển không gian lãnh thổ, vùng và liên vùng phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đối với Hội An, các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch chung TP. Hội An.

Dự kiến, Quy hoạch chung TP. Hội An sẽ khớp nối, tích hợp một cách khoa học, hài hòa về không gian phát triển và có hệ thống hạ tầng đồng bộ cho sự phát triển cả vùng phía Nam, phía Đông tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh việc tôn trọng các yếu tố lịch sử - văn hóa truyền thống, gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và mang đến lợi ích cho cộng đồng, Hội An hướng đến là đô thị loại II với một số tiêu chí đặc thù, có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch mang tầm vóc quốc tế, hài hòa và thống nhất về các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, quy hoạch là công việc quan trọng hàng đầu, nên Thành phố phải chủ động sớm hoàn chỉnh, trình Đồ án Quy hoạch chung TP. Hội An, qua đó góp phần cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Quảng Nam.

Làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hội An mới đây, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Hội An phải xây dựng quy hoạch chất lượng. Khi có quy hoạch hấp dẫn, các nhà đầu tư sẽ chủ động tới, mà chưa cần phải xúc tiến, chào mời”.

Tin liên quan
Tin khác