Thời sự
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam: Khát vọng vươn tầm cao
Hoàng Anh - 16/03/2024 08:09
Được lập với tinh thần đổi mới tư duy, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam trở thành “chìa khóa” mở cánh cửa tương lai của vùng đất xứ Quảng.
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo nên một đường băng lớn đưa Quảng Nam cất cánh.

Phát triển cân bằng

Nhận định về sự phát triển của Quảng Nam, TS. Trần Du Lịch từng khẳng định, Quảng Nam đã nổi lên như một hiện tượng kinh tế của miền Trung, bởi Quảng Nam đã có mức tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, là một trong số ít địa phương từ nhận ngân sách trợ cấp thường xuyên, chuyển thành tự cân đối ngân sách để điều tiết về Trung ương.

“Sở hữu những tiềm năng, lợi thế vượt trội, cùng với khát vọng vươn lên, tôi tin kinh tế Quảng Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng hàng năm ở mức 2 con số”, TS. Trần Du Lịch nhận định.

Quả thật, Quảng Nam đã trải qua một giai đoạn phát triển đáng tự hào. Nhưng, trong hành trình vươn biển lớn đó, con thuyền Quảng Nam cũng đôi lần gặp trắc trở. Tăng trưởng chững lại, những điểm nghẽn xuất hiện, kìm hãm sự phát triển.

Trong bối cảnh như vậy, việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra vận hội phát triển mới cho tương lai của vùng đất xứ Quảng.

Theo ông Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, Quy hoạch tỉnh được lập với tinh thần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, dựa trên các tiềm năng, lợi thế riêng có. Phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững.

Không gian cho các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam được làm rõ qua cấu trúc hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai.

Quy hoạch chia Quảng Nam theo hai vùng Đông và Tây. Vùng Đông gồm các địa phương đồng bằng ven biển; là vùng động lực. Vùng Tây gồm các huyện miền núi là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia.

Hai cụm động lực gồm Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP. Đà Nẵng; Cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh kết nối, phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển…, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.

Ba hành lang phát triển là Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh; Hành lang dọc Quốc lộ 14B và Quốc lộ 14E nối lên Quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên, các nước theo Hành lang quốc tế Đông - Tây.

“Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng về mặt kinh tế - xã hội giữa vùng Đông và vùng Tây. Ngoài ra, hình thành các cụm động lực để hỗ trợ nhau, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế”, ông Hưng khẳng định.

Nguồn lực mới, cơ hội mới

Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững trong hiện tại và tương lai, tỉnh Quảng Nam tổ chức lập quy hoạch một cách bài bản và chặt chẽ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại, phù hợp với Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua đó, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Nam, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là những mục tiêu có ý nghĩa rất lớn và có tính khả thi đối với Quảng Nam.

“Với ý nghĩa quan trọng như vậy, tỉnh sẽ quyết tâm sớm hiện thực hoá Quy hoạch”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh và cho biết thêm, tỉnh sẽ tiến hành rà soát tất cả quy hoạch phía dưới để đảm bảo sự phù hợp với Quy hoạch được Thủ tướng ban hành.

Quan trọng hơn, Quảng Nam sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Trong đó, đề cập lộ trình, khu vực nào làm trước, khu vực nào làm sau, tiến độ đến năm 2030 như thế nào, đến năm 2050 ra sao. Những khu vực nào sẽ ưu tiên, nguồn lực ở đâu. Những khu vực nào có khả năng kích hoạt phát triển, tạo nguồn thu lớn, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội, có thể tranh thủ được nguồn lực của nhà đầu tư thì sẽ ưu tiên phát triển trước.

“Quan điểm nhất quán của tỉnh là không vội vàng lấp đầy vùng Quy hoạch, đặc biệt là vùng Đông. Chúng ta sẽ có lộ trình, phương pháp, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thật sự, tham gia các lĩnh vực có tầm chiến lược để đầu tư. Không vội vàng để đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai. Không mang lại giá trị mong muốn thì tỉnh không làm. Kể cả dự án tác động xấu đến môi trường tự nhiên, đến văn hoá, đời sống và sự bền vững của Quảng Nam thì tỉnh cũng không tiếp nhận”, ông Thanh khẳng định.

Quan điểm này sẽ được cụ thể hoá trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Đề cập vùng Đông - trái tim phát triển của Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, trọng tâm khu vực này sẽ phát triển công nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ được triển khai tại đây.

Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được đầu tư xây dựng với quy mô sân bay đạt cấp 4F, là quy hoạch cấp lớn nhất của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với công suất đến năm 2050 là 30 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hoá.

Về cảng biển, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển luồng mới cho tàu 5 vạn tấn, để cảng Chu Lai trở thành cảng loại 1 theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Khi cảng biển, hàng không, giao thông thuận lợi, thì chắc chắn sẽ tạo cơ hội lớn để phát triển…

“Với những định hướng lớn và quan trọng, Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Quảng Nam. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới để tỉnh Quảng Nam cất cánh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, động lực phát triển của khu vực miền Trung và cả nước”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác