Dự án - quy hoạch
Chiến lược sản phẩm bền vững: “Doping” tăng trưởng cho ngành du lịch
Thiên Hương - 14/02/2019 14:23
Thiếu sản phẩm du lịch khác biệt và độc đáo sẽ khiến du lịch Việt Nam hạn chế đà tăng trưởng mạnh. Điều này đặt ra thách thức đối với việc tái cơ cấu ngành du lịch như thế nào cho hợp lý.
Dự án Mũi Dinh Ecopark.

Theo thị trường hay tự phát?

Năm 2019, du lịch Việt đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, gồm 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, hoàn thành chỉ tiêu sớm 1 năm so với thời hạn năm 2020 ban đầu. Mục tiêu đó có nhiều cơ hội để hoàn thành, nhưng việc làm cách nào để giữ đà tăng trưởng cao sau năm 2020 cần được giải quyết ngay từ bây giờ, thậm chí sớm hơn. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh về sản phẩm du lịch khác biệt và đột phá, thay vì chủ yếu khai thác những cái sẵn có trong thiên nhiên và cộng đồng như hiện nay.

Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Du lịch) khẳng định, sản phẩm du lịch phải gắn với xu hướng thị trường. Đơn cử, xu hướng du lịch trải nghiệm đang phát triển, các sản phẩm du lịch muốn thu hút du khách thì cần tăng tính trải nghiệm, để mỗi chuyến đi trở thành những dấu ấn khó quên.

Ở góc nhìn của người đứng đầu một doanh nghiệp với dòng khách Nga lớn, chiếm 60% thị phần khách Nga tới Việt Nam năm 2018, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay chia sẻ, cần những sản phẩm du lịch chiến lược và bền vững, có tính cạnh tranh cao so với thị trường du lịch trong khu vực. Ông Chi đưa ra khái niệm “hệ sinh thái của điểm đến”, ở đó khách lựa chọn một điểm đến, trước hết là vì toàn bộ hoặc một phần hệ sinh thái mà điểm đến đó có thể cung cấp phù hợp với nhu cầu, mối quan tâm, sở thích, đam mê của họ.

“Hệ sinh thái du lịch cho mỗi địa phương, cho mỗi vùng du lịch phải được xây dựng xung quanh một hoặc một số sản phẩm chiến lược khác biệt, ấn tượng và có khả năng cạnh tranh cao”, ông Chi nhấn mạnh.

Hướng nào để đột phá

Hiểu rõ nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp du lịch và các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vinpearl, Crystal Bay, FLC… chủ động tăng tốc phát triển dự án/sản phẩm du lịch. Nhiều dự án và sản phẩm du lịch làm thay đổi diện mạo của địa phương, thu hút hàng triệu lượt du khách đến và quay trở lại.

Với thế mạnh mang tới hơn 360.000 lượt khách Nga tới Việt Nam năm 2018, sử dụng 4,3 triệu phòng/đêm của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc…, Tập đoàn Crystal Bay đã cho ra đời sản phẩm chiến lược “Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản”. Ở đó, trong cùng một chuyến đi, mỗi du khách sẽ có trải nghiệm ở cả hai vùng di sản: Vịnh Hạ Long và vùng văn hoá Chăm của Nha Trang, Ninh Thuận.

Trải nghiệm của du khách là điểm khác biệt tạo ấn tượng của sản phẩm “Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản”. Thay vì thăm quan các di sản thiên nhiên và văn hóa trong một hành trình nhất định, sản phẩm này thiết kế nhiều trải nghiệm khác nhau trong một khoảng thời gian du lịch, trong đó, các tour tuyến chỉ là một trong các sản phẩm được cung ứng. Du khách sẽ có cớ kéo dài hơn thời gian dự định của họ tại Việt Nam và tận hưởng các trải nghiệm đa dạng trong hành trình thú vị này.

Đặc biệt, “Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản” được phát triển trên nền tảng thế mạnh của một hệ sinh thái khép kín mà Tập đoàn Crystal Bay đã và đang tạo dựng thành công, gồm vận tải hàng không, đường bộ, đường thủy, lưu trú, lữ hành, vui chơi giải trí và mua sắm.

Tiếp tục xây dựng và thực hiện sản phẩm chiến lược “Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản”, Crystal Bay đang tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch, với các dự án lớn ở Quảng Ninh và Ninh Thuận. Tại Quảng Ninh là Dự án Con đường di sản Vân Đồn với quy mô hàng chục ngàn phòng khách sạn và các khu vui chơi giải trí quy mô. Tại Ninh Thuận là các dự án Ninh Chữ Sailing Bay, Sun Bay Park Hotel & Resort, Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark… đóng góp hơn 20.000 phòng và các khu vui chơi giải trí, mua sắm…

Thẻ kỳ nghỉ Crystal Holidays là điểm nhấn đáng chú ý trong hệ sinh thái của Crystal Bay, với giá phòng khách sạn khắp thế giới chỉ còn 25- 50% giá thông thường cùng hàng loạt ưu đãi khác.

Sự chủ động xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã góp phần tạo nên mảng màu tươi sáng cho ngành du lịch Việt. Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, để đa dạng các sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, rất cần các sản phẩm độc đáo và các nhà đầu tư tâm huyết như thế.

Tin liên quan
Tin khác