Quốc tế
Chiến sự Nga - Ukraine khiến kinh tế châu Âu khó trở lại bình thường
Lê Quân - 12/04/2022 16:07
Chiến sự Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt liên tiếp nhằm vào Moscow sẽ gây ra những chuyển biến lớn hơn trong nền kinh tế châu Âu so với các cuộc khủng hoảng trước như đại dịch Covid-19.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, các nhà lãnh đạo châu Âu đã buộc phải đẩy nhanh kế hoạch thu hẹp sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi thực hiện cấm vận ngay lập tức và toàn bộ đối với dầu mỏ, than đá, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt của Nga.

Trong tháng 3, châu Âu đã đặt ra thời hạn cuối cùng là năm 2027 để tự loại bỏ sử dụng dầu mỏ và khí đốt của Nga, nhưng hiện lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sớm hơn đã được xem xét.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã nói với Nghị viện châu Âu vào giữa tuần trước rằng, gói trừng phạt thứ năm đối với Nga "sẽ không phải là gói trừng phạt cuối cùng".

 "Đúng, chúng tôi đã cấm than, nhưng bây giờ chúng tôi phải xem xét đến dầu mỏ", bà Ursula von der Leyen nói thêm.

Tuy nhiên, những nỗ lực mạnh tay nhằm tách biệt với nguồn năng lượng Nga khiến nền kinh tế châu Âu gánh chịu tác dụng ngược rằng lạm phát vốn tăng cao nay đã leo lên mức kỷ lục và đe dọa làm suy yếu sự phục hồi sản xuất vốn chỉ mới bắt đầu vào năm ngoái khi các nền kinh tế của châu Âu gượng dậy từ đại dịch.

Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan), ông Carsten Brzeski, cho rằng châu Âu đang trong tình thế đặc biệt có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh quốc tế do hậu quả của chiến sự Nga - Ukraine.

"Đối với lục địa này (châu Âu - BTV), chiến tranh là một yếu tố thay đổi cuộc chơi nhiều hơn so với đại dịch. Tôi không chỉ đề cập đến các chính sách an ninh và quốc phòng mà đặc biệt là về toàn bộ nền kinh tế", ông Brzeski bình luận.

Chuyên gia của ING cho rằng: "Khu vực đồng euro đang trải qua những mặt trái của mô hình kinh tế cơ bản của nó, đó là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu với xương sống là sản xuất công nghiệp quy mô lớn và phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu năng lượng".

Vốn được hưởng lợi từ toàn cầu hóa và phân công lao động trong những thập niên gần đây, Khu vực đồng euro (Eurozone) đang phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh và theo đuổi sự tự chủ về năng lượng, đồng thời tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, số hóa và giáo dục. Ông Brzeski nhận định đây là một thách thức mà Eurozone cần phải xử lý thực sự thành công.

"Nếu nó (thách thức - BTV) ập đến, châu Âu nên chuẩn bị tâm thế tốt. Dù vậy áp lực về tài chính và thu nhập của các hộ gia đình sẽ vẫn còn rất lớn khi nó xuất hiện. Trong khi đó, lợi nhuận của công ty sẽ vẫn ở mức cao", ông Brzeski nói thêm.

"Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo và quá trình chuyển đổi kinh tế quan trọng. Cuộc chiến đang diễn ra ngay trong 'ổ bánh mì' của châu Âu, một vùng chuyên sản xuất ngũ cốc và ngô chủ lực. Giá lương thực sẽ tăng cao chưa từng thấy. Lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế phát triển có thể là vấn đề sinh tử của các nền kinh tế đang phát triển", đại diện ING nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia của ING, các thị trường tài chính đã "lạc lối" khi chứng khoán châu Âu cố gắng tăng cao hơn và khả năng cao "không thể quay trở lại bất kỳ mức bình thường nào ngay bây giờ".

Những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế châu Âu và rộng ra là toàn cầu, sẽ gia tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương và các chính phủ đang mắc kẹt trong tình thế khó khăn là vừa phải ứng phó lạm phát, vừa phải đảm bảo tài khóa bền vững.

Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) cho rằng việc tăng tốc khử carbon, chi tiêu chính phủ và nợ tăng lên, cộng với những "cơn gió ngược" của toàn cầu hóa và áp lực lạm phát tăng cao sẽ là một chủ đề được bàn tính lâu dài.

"Bối cảnh hiện nay đặt các ngân hàng trung ương trong một môi trường thách thức hơn, trong đó có việc thực hiện chính sách và giữ lạm phát trong ngưỡng mục tiêu, không chỉ làm giảm khả năng cam kết thực hiện một đường lối chính sách nhất định mà còn dễ mắc sai lầm chính sách hơn", ông Spyros Andreopoulos, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Ngân hàng BNP Paribas, đánh giá.

Chuyên gia của BNP Paribas cảnh báo, việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cuối cùng sẽ gây khó khăn cho chính các cơ quan quản lý tài chính.

"Đây không phải là mối quan tâm lớn ngay lúc này, vì các chính phủ thường kéo dài thời gian đáo hạn trung bình của khoản nợ trong những năm lãi suất thấp, do đó môi trường lãi suất cao hơn sẽ có thể thay đổi những tính toán tài khóa. Cho nên, những lo ngại về tính bền vững của các khoản nợ (debt sustainability) có thể xuất hiện trở lại", ông Andreopoulos nói.

"Debt sustainability" được định nghĩa là khả năng mà một quốc gia có thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ của mình mà không yêu cầu xóa hoặc khất nợ.

Nhiều năm qua, Eurozone luôn ghi nhận lạm phát ở mức thấp, đồng nghĩa rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không bị rơi vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa việc đảm bảo sự bền vững tài khóa và việc theo đuổi mục tiêu lạm phát.

Nhưng, "khoảng thời gian này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phải thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh nợ công tăng cao hơn, di chứng của đại dịch và áp lực lên túi tiền của công chúng gia tăng", ông Andreopoulos lưu ý.

Tin liên quan
Tin khác