Quốc tế
Chiến thuật ẩn náu dưới cuộc chiến dầu mỏ Saudi Arabia - Nga
Lê Quân - 15/03/2020 17:16
Cuộc chiến giá dầu mỏ mà Saudi Arabia khơi mào với Nga không hẳn là cuộc đua đẩy giá dầu xuống đáy mà sâu xa hơn là nhắm vào ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.
Khơi mào chiến tranh dầu mỏ với Nga, Saudi Arabia tuần qua "lệnh" cho tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco tăng sản lượng thêm 300.000 thùng/ngày, nâng tổng công suất lên 12,3 triệu thùng/ngày từ tháng 4. Ảnh: AFP

Tăng công suất thêm 2 triệu thùng/ngày

Chuyện bắt đầu tại cuộc họp thường kỳ giữa thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia không phải thành viên OPEC diễn ra tại Áo tuần trước. Vẫn có những nụ cười giả tạo và những cái bắt tay thật chặt của các giới chức trước ống kính phóng viên. Điều này khiến các phóng viên tưởng sẽ có những câu chuyện nhàm chán và chẳng ai đọc, nhưng từ chỗ tưởng không có tin gì hay ho, cuộc chiến giá dầu xuất hiện như bom dội.

Áp lực giảm giá dầu từ đại dịch Covid-19 là điều không phải bàn khi nhu cầu đi lại của thế giới bị chặn đứng. Điều này khiến nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Saudi Arabia nóng ruột trước những rủi ro. Thường sẽ có sự trao đổi và thỏa thuận giữa các thành viên OPEC về việc nhất trí hạn chế "bơm" dầu ra thị trường để kéo giá tăng trở lại.

Theo tờ “The Spectator”, tiên phong cho thỏa thuận này, "gã nhà giàu" Saudi Arabia đã đề xuất cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày. Ngay lập tức, Nga thẳng thừng bác bỏ đề xuất này trước sự sững sờ của các thành viên dự họp. Phía Nga cho rằng, thị trường đã bão hòa; do đó, giá cả phải được xác định bởi các thế lực thị trường.

Đây có lẽ là điều cuối cùng mà đại diện Saudi Arabia muốn nghe bởi lãnh đạo Saudi Arabia Mohammed Bin Salman vốn dĩ có tiếng khi đưa những quyết định bốc đồng và tạo phân nhánh toàn cầu một cách tiêu cực.

Lập tức Bin Salman nổi cơn đòi trừng phạt phía Nga phản bội. Aramco - gã khổng lồ năng lượng của Saudi Arabia lập tức giảm giá bán dầu mỏ cho các "bạn hàng" lớn, chủ yếu là Trung Quốc - khách hàng quan trọng nhất của cả Saudi Arabia và Nga. Đồng thời Aramco cam kết sẽ tăng sản lượng một cách kinh ngạc thêm 2 triệu thùng/ngày trong vài tuần tới. Cùng với dịch Covid-19, động thái của Saudi Arabia khiến thị trường thế giới hứng “đòn kép” nặng nề.

Cuộc chiến dầu mỏ khai nổ khiến giá dầu rớt 30% chỉ qua một đêm, mức giảm sâu nhất trong 3 thập kỷ qua, còn chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ mất hơn 8%, FTSE 100 “bốc hơi” 9%. Giá trị vốn hóa của 2 tập đoàn năng lượng lớn Shell và BP “bay hơi” 32 tỷ bảng Anh, tương đương khoảng 20%.

Đích đến là Mỹ

Nhìn vào thị trường dầu mỏ thế giới hiện này, Mỹ không thể "vô can" trước cuộc chiến giá dầu mà Saudi Arabia khơi nên. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với hai rủi ro, thoạt nhìn rất khác nhau nhưng lại rất ăn khớp khi phân tích kỹ.

Dịch Covid-19 là rủi ro đủ đau đầu với Mỹ nhưng ở một góc độ khác đại dịch này có thể làm vỏ bọc cho một cuộc tấn công vào ngành dầu mỏ Mỹ khi Mỹ gần đây nổi lên với vai trò nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Quãng thời gian Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, giá dầu thấp là điều được hoan hỉ. Nhưng nay chuyện đã khác, nhờ làm chủ công nghệ thủy lực cắt phá (hydraulic fracturing) trong khai thác dầu mỏ, Mỹ đã trở thành cường quốc xuất khẩu dầu mỏ. Rõ ràng, Mỹ không thể tách biệt khỏi cuộc chiến dầu mỏ Saudi Arabia - Nga và thậm chí đây còn được xem là phép thử đối với Mỹ.

Đó cũng là lý do Nga không hào hứng đối chọi với Saudi Arabia lần này, bởi Nga thấy rõ sẽ rất nguy hiểm khi cắt giảm sản lượng dầu, vì điều này suy cho cùng sẽ chặn đừng nhu cầu dầu mỏ Mỹ. Liệu kết quả như vậy có lợi cho Nga? Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt nước Nga lên ưu tiên hàng đầu và từ bỏ thỏa thuận nguồn cung dầu mỏ 3 năm với Saudi Arabia khi thỏa thuận này cũng sẽ chính thức hết hạn vào tháng tới.

Thực tế, cuộc chiến dầu mỏ không hẳn là tin xấu cho Mỹ. Nó sẽ khiến giá cả các mặt hàng xăng dầu tại cây xăng thấp đi và đây cũng là yếu tố kích thích thị trường. Quan hệ Nga - Saudi Arabia xấu đi cũng là lẽ tự nhiên sau những tranh chấp gay gắt gần đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên của NATO) khi quân đội hai bên xung đột ở miền Bắc Syria. Hơn nữa, giá dầu sụt giảm gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế Iran - đồng minh quan trọng nhất của Nga tại khu vực Trung Đông, nhưng lại là kẻ thù không đội trời chung của Mỹ.

Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, mối bận tâm của ông Trump vẫn là thị trường chứng khoán và đó là điều dễ hiểu bởi người Mỹ không quyết định bỏ phiếu dựa trên các chính sách đối ngoại. Kể từ khi ông Trump nắm quyền, chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới và ông Trump lo ngại bị đổ lỗi nếu thị trường chứng khoán sụp đổ.

Thường với người Mỹ, vấn đề quan trọng hơn là ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ bị thiệt hại ra sao, chứ không phải ai thắng trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Saudi Arabia và Nga. Nhưng động thái thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Saudi Arabia đã chứng tỏ Nga có đủ nguồn lực để bù đắp thiếu hụt ngân sách trong 6-10 năm, ngay cả khi giá dầu xuống còn 25 USD/thùng.

Nhưng ngược lại, ngành khai thác dầu mỏ bằng công nghệ fracking của Mỹ có thể gánh khoản nợ ước tính 86 tỷ USD trong những năm tới nếu giá dầu lao dốc. Và nếu Saudi Arabia thực hiện tốt "lời hứa" khiến thị trường thế giới tràn ngập dầu giá rẻ, thì vô hình trung sẽ sớm đẩy các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vào chỗ chết, bởi nhà đầu tư sẽ mệt mỏi khi ném tiền vào cái thùng không đáy khi đầu tư vào khai thác dầu đá phiến.

Câu hỏi đặt ra là ông Trump - người vốn rất ghét sự phản bội cá nhân - sẽ phản ứng ra sao khi nhận ra nhà lãnh đạo Saudi Arabia Mohammed Bin Salman - người mà ông Trump luôn ủng hộ - lại đang phá hủy ngành công nghiệp dầu mỏ mà ông Trump rất đỗi tự hào. Thêm câu hỏi nữa là liệu nhà lãnh đạo Bin Salman lên ngôi và vẫn duy trì sự ủng hộ của người dân, sẽ ứng biến ra sao trước những biến động kinh tế và chính trị chưa từng có trong những năm tới.

Cho đến nay, Bin Salman cơ bản vẫn áp dụng mô hình quản trị của Singapore, mặc dù có khuynh hướng Saudi Arabia; đó là trao quyền tự do cá nhân nhưng vẫn hạn chế tham chính dưới danh nghĩa ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Mô hình quản trị này được chứng minh có hiệu quả tại Singapore và các “con hổ” châu Á khác bởi giới chức luôn thực hiện theo lời hứa. Tuy nhiên, với Bin Salman, đó lại là thách thức.

Trong quá khứ, việc phát động cuộc chiến thảm khốc với nước láng giềng Yemen và hạ lệnh thủ tiêu nhà báo Jamal Khashoggi đã cho thấy rất khó để hiểu điều gì khiến Bin Salman hành động như vậy.

Tờ "The Spectator" cho rằng, nếu nhìn vào Saudi Arabia hiện nay, thảm họa dường như ngay ở chân trời. Tuần này, vùng Qatif, một thành trì của người Shia ở “vựa" dầu miền Đông Saudi Arbia, đã bị cách ly hai tuần vì dịch Covid-19. Mọi du khách quốc tế đều bị cấm cửa vào Saudi Arabia, chỉ vài tháng sau khi kế hoạch phát triển ngành du lịch để đa dạng hóa các thành phần của nền kinh tế Saudi Arabia và tránh sự phụ thuộc vào dầu mỏ được triển khai.

Điều này đồng nghĩa Saudi Arabi sẽ bị mất hàng tỷ USD doanh thu trong khi thâm hụt ngân sách của nước này đã lên đến con số khổng lồ 50 tỷ USD. Trong một động thái táo bạo mới đây, Bin Salman đang chuẩn bị nguồn ngân sách khẩn cấp cho năm nay với kịch bản giá dầu ở mức 12 USD/thùng.

Trong khi đó, các trạm kiểm soát quân sự đã được thiết lập ở khắp thủ đô Riyadh sau khi Bin Salman tiến hành thêm cuộc thanh trừng các đối thủ. Hàng chục hoàng tử cao cấp, những nhân vật cấp bộ, giới chức quân sự đã bị bắt và buộc tội lên kế hoạch đảo chính với sự giúp đỡ của tình báo từ Washington.

Với việc xa lánh Nga và khơi mào cuộc chiến dầu mỏ nhằm vào ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, Bin Salman trở nên cô lập trên trường quốc tế hơn bao giờ hết, không có bạn bè hay đồng minh có sức mạnh ngoài nhà vua. Tấn công nền kinh tế thế giới, Bin Salman có thể sớm rước những rắc rối về cho Saudi Arabia.

Tin liên quan
Tin khác