Dự kiến tại cuộc họp báo "Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam" diễn ra lúc 17h chiều nay, Bộ Công thương sẽ công bố các kết quả của năm 2021 và của năm 2022.
Việc công bố kết quả kiểm tra năm 2022 khá nhanh, chỉ 3 tháng sau khi kết thúc năm 2022. Trong khi đó, việc công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm 2021 cần tới 15 tháng mới.
Trước đó, khi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022 - 2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhắc tới việc EVN đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có và dị biệt thời gian qua.
Trong báo cáo giữa tháng 1/2023, EVN cho biết, năm 2022, lỗ sản xuất - kinh doanh lên tới 28.876 tỷ đồng. Nếu giá điện tiếp tục đứng im, thì năm 2023, EVN sẽ lỗ 64.941 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ cho 2 năm lên tới 93.817 tỷ đồng. Đáng nói là, với tốc độ này, đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản và đến tháng 6 sẽ thiếu hụt tiền thanh toán.
Thực tế, những cảnh báo về khó khăn của EVN đã được nhắc tới trong nửa cuối năm 2022, với các thách thức về giá nhiên liệu đầu vào chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là tỷ giá tăng khiến chênh lệch tỷ giá tại nhiều nhà máy điện không nhỏ, hay cơ cấu huy động điện có biến động mạnh từ năm 2021 khi được bổ sung một lượng quá lớn năng lượng tái tạo với giá cao mà vận hành lại không ổn định…
Tuy nhiên, giá bán lẻ điện bình quân cơ sở của Việt Nam được áp dụng từ tháng 3/2019 - thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng thế giới, vẫn tiếp tục đứng im ở thời điểm tháng 2/2023, tức là bất động 4 năm.
Trước khả năng EVN không có dòng tiền để trả cho việc mua buôn điện của các nhà máy trên hệ thống trong nửa cuối năm 2023 và rất có thể từ tháng 3/2023, sẽ có tình trạng EVN bắt đầu khất nợ tiền mua điện một tỷ lệ nhất định, các nhà đầu tư nguồn điện đã rất lo lắng.
Do giá diện đã không được điều chỉnh trong năm 2022 nên theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, EVN và các đơn vị thành viên phải có báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán, sau đó các bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Người tiêu dùng sẽ đi kiểm tra, rồi mới tiếp tục tính cho điều chỉnh giá điện ra sao.
Nhiều người cũng băn khoăn, nếu việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện cho ra đáp án là quả thật có tăng khoảng 20%, thì việc cho phép điều chỉnh sẽ theo mức nào. Nếu 20%, thì không ai chấp nhận được, nhưng thấp hơn, thì lại treo các khoản lỗ lên, về nguyên tắc cũng không đúng quy định.
Thực tế giá bán lẻ điện bình quân đứng im từ 3/2019 tới nay đang kéo theo những mối lo lớn về vận hành hệ thống điện, khi nhu cầu điện đang có sự gia tăng trở lại, trong khi nguồn cung điện có giá rẻ hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện chỉ còn thủy điện lại không đủ phủ hết nhu cầu.