Sức khỏe doanh nghiệp
Doanh thu, sản lượng điện tăng, nhưng EVN lo mất cân đối tài chính
Thanh Hương - 21/12/2022 13:02
Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 460.700 tỷ đồng, riêng Công ty Mẹ EVN đạt 385.300 tỷ đồng, tăng 4,31% và tăng 11,28% so với năm 2021, nhưng EVN đang phải đối mặt với khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng.

Chới với vì giá nhiên liệu và tỷ giá

Sáng nay, 21/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Trong năm 2022, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, đặc biệt đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các sự kiện quan trọng của đất nước.

Công tác lập kế hoạch vận hành và lập lịch huy động thị trường điện được thực hiện đúng quy định đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn và liên tục.

Trong năm 2022, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 268,4 tỷ kWh, tăng 5,26% so 2021. Sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 242,3 tỷ kWh, tuy chỉ bằng 99,97% kế hoạch nhưng đã tăng 7,53% so với năm 2021.

Cũng tính tới cuối năm 2022 vẫn chỉ có 108 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất đặt 30.937MW, chiếm 38% nguồn điện toàn quốc.

Dẫu vậy thì EVN đang phải đối mặt với khoản lỗ lớn do giá nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cân đối tài chính của EVN.

Cụ thể, giá than thế giới diễn biến trong năm 2022 tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và 2,6 lần so với năm 2021. Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và cả các nhà máy điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập).

Giá dầu làm cơ sở tính giá khí trong năm 2022 (cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí) tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020 và 1,34 lần so với năm 2021. Thêm vào đó, trữ lượng khí của các mỏ khí giá thấp (lô 06.1 Nam Côn Sơn giá khí tại miệng giếng khoảng 2,96 USD/triệu BTU) bị suy giảm sản lượng nhanh, trong khi giá khí từ các mỏ mới thì rất đắt (như khí Thiên Ưng khoảng 7,51 USD/triệu BTU) cũng làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện tua bin khí.

Ngoài ra, trong các tháng vừa qua, tỷ giá ngoại tệ đồng USD cũng tăng cao sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới biên độ tỷ giá cũng làm tăng chi phí, trong đó bao gồm cả chi phí mua nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất điện.

Những nguyên nhân kể trên làm cho giá mua điện của các nhà máy sử dụng nhiên liệu than, nhiên liệu khí trong năm 2022 tăng rất cao.

Cụ thể, chi phí tăng do giá mua nhiên liệu tăng với sản lượng điện than được huy động là hơn 34.000 tỷ đồng, với sản lượng điện khí được huy động là hơn 5.200 tỷ đồng.

Với thực tế này, EVN đã thực hiện hàng loạt các hoạt động nhằm tiết kiệm chi phí và tiết giảm được 33.445 tỷ đồng.

Cụ thể, đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ người lao động với 80-90% mức lương bình quân năm 2020... giúp tiết giảm chi phí là hơn 9.700 tỷ đồng.

Thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền tổng doanh thu hoạt động tài chính và lãi tiền gửi của Công ty mẹ-EVN và các đơn vị là hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy thuỷ điện (có chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than cho các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện. Đồng thời do sản lượng thủy điện cao hơn kế hoạch khoảng 12,5 tỷ kWh giúp giảm chi phí mua điện của EVN khoảng 15.845 tỷ đồng.

Tuy vậy, các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến nên kết quả năm 2022 dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.

Mất hút nguồn điện mới

Trong đánh giá tình hình hoạt động năm 2022, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cũng cho biết, việc cung ứng điện tại một số thời điểm còn gặp khó khăn, đặc biệt đảm bảo cấp điện miền Bắc trong các tháng cao điểm nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7).

Cạnh đó, việc cấp than sản xuất trong nước cho các nhà máy điện chưa đáp ứng được nhu cầu. Đầu năm 2022, giá than thế giới tăng cao, nguồn than nhập khẩu hạn chế nên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc không nhập khẩu đủ than để sản xuất than trộn cấp cho các nhà máy điện.

Còn tới các tháng cuối năm, Tổng công ty Đông Bắc đã chỉ cấp than pha trộn hoàn toàn cho các nhà máy điện và dừng cấp than cho các Nhà máy điện Nghi Sơn 1, Thái Bình 1 nên tồn kho than cho sản xuất điện rất thấp, gây khó khăn lớn cho sản xuất điện trong mùa khô 2023, được tính là từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm.

Cũng trong năm 2022, giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN đạt 89.305 tỷ đồng, bằng 92,5% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt 88.225 tỷ đồng, bằng 91,4% kế hoạch. Như vậy năm 2022, đầu tư xây dựng của EVN vẫn tiếp tục chuỗi giảm đã được bắt đầu từ năm 2017.

Thu nhập của người lao động tại EVNNPC hiện mới chỉ bằng 62% so với năm 2021. Năm 2022 và cả năm 2023, EVN sẽ không có nhà máy điện mới vào vận hành

Đáng nói là trong năm 2022 và cả năm 2023 sắp tới, EVN không có nguồn điện mới có quy mô lớn vào vận hành. Đây được xem là điều rất nguy hiểm cho hệ thống vì hiện tại EVN vẫn là chủ lực trong đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế.

Đối với lưới điện, năm 2022, khối lượng các dự án lưới điện đạt thấp so kế hoạch, việc triển khai các thủ tục đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thỏa thuận hướng tuyến, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng.

Bên cạnh đó trong năm 2022 đã phát sinh các vướng mắc mới như thủ tục trình duyệt chủ trương đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, công tác đấu thầu mua sắm thiết bị phải thực hiện đấu thầu nội khối, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi đơn giá ban hành của nhà nước chưa theo kịp nên một số gói thầu phải thực hiện xử lý tình huống hoặc hủy thầu do vượt dự toán gói thầu.

Chia sẻ thực tế tại 27 địa phương mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang quản lý, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐQT EVNNPC cho hay, tuy đã lường trước các khó khăn của năm 2022 nhưng thực tế xẩy ra vượt xa dự tính.

Đơn cử như do giá nhiên liệu tăng nên giá mua điện đầu vào trên thị trường điện đã tăng cao hơn so với giá kế hoạch 685 đồng/kWh khiến chi phí tăng thêm của EVNNPC là 3.700 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2022, EVNNPC sẽ lỗ khoảng 4.700 tỷ đồng nếu giá bán lẻ điện cơ sở vẫn tiếp tục giữ mức từ tháng 3/2019 tới nay.

“Lỗ thì không có tiền nộp về EVN và khi đưa Báo cáo tài chính này ra thì doanh nghiệp sẽ khó lòng mà vay được tiền đầu tư cho các năm tiếp theo cũng như các ngân hàng sẽ không mặn mà giải ngân tiếp”, bà Ánh nhận xét đồng thời cho biết thêm, người lao động của EVNNPC có nhiều tâm tư.

"Không phải là tác động của Covid-19 mà phải giảm làm việc nên giảm thu nhập, điện thương phẩm của miền Bắc năm nay vẫn tăng trưởng, làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập bị giảm, hiện giờ mức anh em nhận được mới bằng 62% so với năm ngoái. Rất mong các cấp lãnh đạo EVN và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước có các giải pháp để đảm bảo thu nhập cho người lao động”, bà Ánh nói.

Tin liên quan
Tin khác