Đầu tư
Chỉnh cơ chế PPP để đón dòng vốn nước ngoài
Anh Minh - 07/12/2018 08:59
Việc chỉnh sửa sự lệch pha giữa cơ chế, chính sách trong nước với thông lệ quốc tế sẽ mở ra cơ hội để đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án hạ tầng giao thông lớn được triển khai theo hình thức PPP.
TIN LIÊN QUAN

Góc nhìn chân thực

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về những rào cản, vướng mắc trong hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến hình thức đầu tư PPP được các nhà đầu tư nước ngoài nêu ra tại Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 mới đây và Diễn đàn Cải cách và phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 5/12.

Nhà đầu tư Nhật Bản đã sẵn sàng mua lại quyền khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Lê Toàn

“Những kiến giải có sức thuyết phục này giúp lý giải vì sao chúng đã rất nỗ lực quảng bá, kết nối, nhưng cho đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ dự án PPP giao thông nào có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài được triển khai thành công”, ông Huy cho biết.

Trong Báo cáo tổng kết triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP được Bộ GTVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi cuối tháng 9/2018, việc thiếu vắng các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là một trong số những hạn chế nổi cộm nhất trong vận động thu hút vốn xã hội hóa đầu tư trực tiếp vào các dự án đường bộ trong 10 năm qua.

Được biết, ngoài thương vụ Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) mua lại 20% cổ phần tại Dự án BOT tuyến tránh Phủ Lý, hiện vẫn chưa có bất cứ dự án BOT giao thông đường bộ có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài được triển khai tại Việt Nam. Trong 5 năm qua, có khá nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Ấn Độ đến “gõ cửa” Bộ GTVT, nhưng tất cả đều dừng lại ở việc “ngắm” dự án, mà không hẹn ngày trở lại.

Theo ông Tony Foster, Trưởng nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF, các cơ chế pháp lý đầu tiên cho các dự án BOT và PPP ở Việt Nam đã được ban hành nhiều đến nỗi một số người khó tính còn cho rằng các quy định còn nhiều hơn cả số đầu dự án.

Nhận định này theo lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) là có cơ sở. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, việc triển khai hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông đang phải chịu sự chi phối của 8 luật; 3 nghị quyết của Quốc hội; 7 nghị định và 2 quyết định của Chính phủ; 24 thông tư, 7 quyết định của các bộ, ngành. Trong số này, 2 văn bản có tính pháp lý cao nhất, điều chỉnh trực tiếp hoạt động đầu tư BOT là Nghị định số 63/2018/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Dẫn chiếu quy định tại Nghị định 63 về việc tổ chức phát hành trái phiếu phải có lợi nhuận trong năm trước và phải có tài sản đảm bảo thì mới được phát hành trái phiếu, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư, nhưng quy định nghiêm ngặt như vậy đang trở thành rào cản cho việc đầu tư.

Bên cạnh đó, theo các nhà đầu tư nước ngoài, một trong những vấn đề cốt lõi là quy định về hình thức, BOT, PPP tại Việt Nam mới dừng lại mức nghị định nên chưa đồng bộ, thống nhất với các luật khác, đặc biệt là tính ổn định của chính sách không cao. Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2018 đã có 4 nghị định được ban hành (nghị định sau thay thế, điều chỉnh nghị định trước) và đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đợi chờ Luật PPP

Trên thực tế, các dự án hạ tầng giao thông vẫn đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là 2 công trình lớn là Dự án Xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cảng hàng quốc tế Long Thành. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), một nhóm nhà đầu tư Nhật Bản sẵn sàng trả khoảng 1 tỷ USD để giành quyền khai thác tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

“Tuy nhiên, họ vẫn đang chờ những thay đổi quy định về PPP tiệm cận hơn so với thông lệ quốc tế”, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết.

Mặc dù đánh giá cao những thay đổi tích cực tại Nghị định 63, đặc biệt là việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư, trong đó điểm nhấn là việc bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án BOT, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP vẫn còn có những nội dung chưa thật sự rõ ràng.

“Điều 67, Nghị định 63 có quy định các hợp đồng có liên quan của dự án có thể áp dụng luật nước ngoài nhưng lại không quy định rõ là có thể áp dụng luật nước ngoài đối với những hợp đồng mà một trong các bên ký kết là pháp nhân nước ngoài hay không”, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nêu vấn đề.

Tính đến tháng 9/2019, Bộ GTVT đã huy động được 209.732 tỷ đồng để đầu tư 68 dự án theo hình thức PPP, trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành 61 dự án, với tổng mức đầu tư là 178.660 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư 7 dự án (31.072 tỷ đồng), trong đó hợp đồng BOT có 56 dự án với tổng mức đầu tư 189.452 tỷ đồng; hợp đồng BT có 4 dự án (16.305 tỷ đồng); hợp đồng BOT kết hợp BT có 1 dự án (2.451 tỷ đồng) và 1 dự án theo hình thức Hợp đồng BOO (1.524 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Nghị định 63 quy định, nhà đầu tư dự án PPP có thể chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký cho bên vay hoặc nhà đầu tư khác sau khi hoàn tất việc xây dựng hoặc ngày vận hành thương mại.

Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF cho rằng, quy định này có thể gây nhiều quan ngại đối với việc thực hiện dự án PPP. Do việc chuyển nhượng luôn cần phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên việc hạn chế chuyển nhường này là không cần thiết, đồng thời có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động vốn cho giai đoạn xây dựng các dự án PPP.

Cần phải nói thêm rằng, một trong những rào cản lớn nhất được JCCI và Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF đặt ra chính là việc chúng ta đang thiếu những cơ chế hữu hiệu để Nhà nước cung cấp các hỗ trợ bù đắp thiếu hụt về tài chính cho các dự án PPP trong các lĩnh vực rủi ro cao do không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc dịch vụ như giao thông để đảm bảo doanh thu cho dự án. Theo Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF, việc không có nguồn thu chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư và bên cho vay không muốn tham gia đầu tư vào các dự án PPP trong lĩnh vực này.

“Luật PPP sắp được ban hành nên có cơ chế cho phép nhà đầu tư và bên cho vay trong các lĩnh vực rủi ro có được các đảm bảo nhất định đối với dự án của mình. Tất nhiên các quy định này vẫn cần phải phụ thuộc vào việc đảm bảo lợi ích của Nhà nước bằng cách xác định rõ trách nhiệm pháp lý của nhà đầu tư khi không thể cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu về chất lượng đã cam kết”, báo cáo của Nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF nêu rõ.

Tin liên quan
Tin khác