Thời sự
Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả bão Yagi
Nguyễn Lê - 22/10/2024 14:35
Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, dẫn đến chủ quan trong ứng phó. Các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt,... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế, theo đánh giá của Chính phủ.
Tổng thiệt hại về kinh tế do bão Yagi gây ra ước tính trên 81.703 tỷ đồng.

Báo cáo về tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ ký báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn thống kê của các cơ quan chức năng, cho biết có 345 người chết và mất tích (323 người chết, 22 người mất tích),1.978 người bị thương; 283.383 nhà bị hư hỏng, tốc mái ; 122.415 nhà bị ngập; 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 63.350 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.242 ha cây ăn quả bị hư hại; 190.230 ha rừng bị thiệt hại; 36.310ha  và 11.835 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 44.500 con gia súc, trên 5,7 triệu con gia cầm bị chết.

Về cơ sở hạ tầng, hệ thống điện gặp 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV; 1.678 sự cố đường dây trung thế; trên 6,1 triệu khách hàng bị mất điện, trong đó có 432 khu công nghiệp, cụm công nghiệp bị mất điện.

Thông tin liên lạc: 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại (7 tuyến cáp trục liên tỉnh, 12 tuyến cáp trục nội tỉnh, 8.271 tuyến truyền dẫn nhánh); 210 cột ăng ten viễn thông bị gãy đổ; 9.235 trạm BTS bị mất liên lạc.

Giáo dục, y tế: 3.755 điểm trường, 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Giao thông: xảy ra sự cố gây ách tắc giao thông tại 820 vị trí trên các tuyến quốc lộ (567 vị trí do sạt lở, hư hỏng công trình; 253 vị trí bị ngập sâu); nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng sạt lở trên 13,3 triệu m3.

Đê điều, thuỷ lợi đã xảy ra 803 sự cố đê điều tại 15 tỉnh, thành phố ; 2.283 công trình thuỷ lợi, 1.318 công trình nước sạch bị hư hỏng.

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.703 tỷ đồng, trong đó các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là: Quảng Ninh 24.876 tỷ đồng, Hải Phòng 12.249 tỷ đồng, Lào Cai 6.834 tỷ đồng, Yên Bái 5.738 tỷ đồng, Hoà Bình 1.065 tỷ đồng, Cao Bằng 919 tỷ đồng, Lạng Sơn 900 tỷ đồng, Tuyên Quang 1.350 tỷ đồng, Thái Nguyên 859 tỷ đồng, Bắc Giang 5.000 tỷ đồng, Phú Thọ 1.588 tỷ đồng, Hưng Yên 3.637 tỷ đồng, Bắc Ninh 1.194 tỷ đồng, Thái Bình 1.479 tỷ đồng, Nam Định 1.142 tỷ đồng….

“Với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài,… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa”, báo cáo nêu.

Chính phủ cũng nêu một số hạn chế như, các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt,... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

Vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như ở lại trên tàu thuyền khi neo đậu và tham gia giao thông khi có gió bão. Chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo,… dẫn đến bị tốc mái, gẫy đổ rất nhiều.

Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.

Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt,… (Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5% nhưng đã chịu tác động của bão cấp 11-12, giật cấp 14 vượt mức thiết kế; hệ thống điện, viễn thống bị thiệt hại nặng nề do gió bão).

Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó….

Báo cáo cũng nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Theo đó, về lâu dài, rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Giải pháp khác là rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của từng địa phương. Rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, đề xuất các nhiệm vụ và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai, sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai lớn như bão số 3, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đê điều, thuỷ lợi, viễn thông, điện lực, công trình hạ tầng đô thị….

Tin liên quan
Tin khác