Từ khi Chính phủ được thành lập và kiện toàn đến nay, hai từ “liêm chính” và “kiến tạo” được nhắc đến trong hầu hết các báo cáo từ Trung ương đến địa phương cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Nhưng để hiểu đúng nghĩa của hai từ này thì có lẽ là không mấy người…
Vào Google gõ từ “kiến tạo”, chỉ mất 0,77 giây cho ra 3,94 triệu kết quả, còn gõ từ “liêm chính” thì mất đúng 0,59 giây cho ra 2,2 triệu kết quả. Thực tế này cho thấy từ “liêm chính” và “kiến tạo” đang rất “hot”. Nghĩa của từ “liêm chính” là trong sạch, ngay thẳng. Từ này nhiều người hiểu do thường xuyên được sử dụng.
Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Nhưng với “kiến tạo” thì quả là rất ít người hiểu được đúng nghĩa của từ này. Bởi theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt thì “kiến tạo” chỉ được sử dụng trong ngành khoa học địa chất, nghĩa là xây dựng nên, tạo lập nên các tầng, lớp trong trái đất, do những dịch chuyển của vỏ trái đất. Còn trong môn bóng đá, người ta ngầm hiểu với nhau rằng, kiến tạo là việc cầu thủ nào đó chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn vào lưới đối phương.
Vậy theo ông, “Chính phủ liêm chính” hiểu thế nào cho trọn nghĩa?
Liêm chính hay liêm khiết hiểu nôm na là sống trong sạch, không tham lam, không hám lợi. Chính phủ liêm chính trước hết các thành viên Chính phủ phải liêm chính, liêm khiết, trong sạch trong đời sống chính trị, sinh hoạt hằng ngày, thượng tôn pháp luật và “dĩ công vi thượng” như lời dạy của Bác Hồ. Nghĩa là các thành viên Chính phủ phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân.
Nhưng không thể hiểu “Chính phủ kiến tạo” là Chính phủ tạo lập nên, xây dựng nên…?
Trước đây, các nhà ngôn ngữ chắc là khá “đau đầu” khi chuyển từ “cổ phần hóa” sang tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ khác, vì đây là khái niệm đặc thù do Việt đặt ra để phân biệt với tư nhân hóa. Trong từ điển tiếng Anh chuyên ngành đành phải dịch nghĩa của từ “cổ phần hóa” là “equitisation” và chú giải thêm.
Còn với cụm từ “Chính phủ kiến tạo” thì quả là quá khó để chuyển trọn nghĩa sang ngôn ngữ khác. Nếu hiểu Chính phủ kiến tạo là Chính phủ xây dựng (constructive government) hay Chính phủ sáng tạo thì không sát nghĩa và cũng không truyền tải hết nội hàm của từ “kiến tạo”. Vì thế, tôi nghĩ rằng, “Chính phủ kiến tạo” cần được hiểu là Chính phủ tạo điều kiện tối đa để giải phóng nguồn lực, năng lực sản xuất, kinh doanh của thể nhân, pháp nhân và của tất cả các thành tố trong xã hội.
Chính phủ kiến tạo có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài theo kế sách trị quốc của cha ông là “lập quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp” (xây dựng đất nước coi giáo dục làm đầu, còn tìm lẽ trị bình coi nhân tài làm trọng). Ảnh: Lê Toàn |
Muốn làm được điều này, thứ nhất, Chính phủ phải khởi xướng, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách giải phóng mọi nguồn lực trong xã hội. Thứ hai, có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài theo kế sách trị quốc của cha ông là “lập quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp” (xây dựng đất nước coi giáo dục làm đầu, còn tìm lẽ trị bình coi nhân tài làm trọng). Thứ ba, dân chủ hóa mọi hoạt động trong xã hội nhằm khích lệ và tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo cho mọi tầng lớp nhân dân cũng như kiều bào tham gia hiến kế xây dựng đất nước. Thứ tư, ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng ra khỏi bộ máy, kèm theo đó là xây dựng cơ chế giám sát bên trong, bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Thứ năm, tạo môi trường bình đẳng cho mọi cá nhân có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý đất nước.
Rất nhiều người có thực tài muốn tham gia bộ máy quản lý nhà nước. Nhưng thưa ông, vấn đề là làm sao tạo được môi trường bình đẳng để “tìm người tài, chứ không tìm người nhà” như trăn trở của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?
Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, với việc phát triển kinh tế - xã hội không còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư, lao động mà phụ thuộc vào nhân tài. Vấn đề là làm sao Chính phủ thu hút được nhân tài vào làm việc? Tôi xin nhắc lại lời tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ nhậm chức: “Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”. Muốn con nhà nghèo, người không có “vai vế” trong xã hội, nhưng có năng lực, phẩm chất đạo đức làm việc trong cơ quan công quyền thì phải đổi mới cách thi tuyển.
Vậy đổi mới cách thi tuyển bằng cách nào?
Lịch sử phong kiến Việt trải qua nhiều triều đại, nhưng cách thức lựa chọn người tài ra giúp nước của cha ông ta hầu như không thay đổi. Tất cả thí sinh buộc phải thi 4 môn gồm kinh văn, thi phú, chế chiếu và văn sách. Để thi đỗ kinh văn, thí sinh không chỉ phải nhớ, phải thuộc mà phải thấu hiểu tứ thư, ngũ kinh, lịch sử, điển tích. Môn thi phú (thơ phú) là thước đo tình cảm, tâm hồn, thái độ của thí sinh với xã hội, cộng đồng, chế độ. Môn này không chỉ xác định thí sinh có thực tài hay không, mà còn xác định thí sinh có đức độ hay không. Môn chế chiếu đưa ra tình huống buộc thí sinh phải xử lý dựa trên sự am hiểu luật pháp và thực tế cuộc sống.
Vượt qua được 3 môn này vô cùng khó, vì thí sinh không thể học thuộc, học tủ, quay cóp và như thế cũng mới đỗ tú tài, chỉ có thể làm nghề ông đồ gõ đầu trẻ chứ vẫn chưa được bổ nhiệm làm quan. Muốn được triều đình bổ nhiệm làm một chức quan nào đó, các ông tú phải thi qua môn văn sách. Đây là cơ hội để người thi hiến kế trị quốc, an dân. Muốn vượt qua được môn văn sách, thí sinh không chỉ có thực tài mà phải có thực tâm ra giúp nước. Với cách thi cử của cha ông, không chỉ có “con anh sáu, cháu chú tư” mà kể cả “con ông giời” nếu không có thực tài vẫn trượt.
Còn với cách thi công chức hiện nay, rất khó tìm được người tài vì thí sinh chỉ cần học thuộc, học tủ hoặc mang tài liệu vào phòng thi là có thể vượt qua cả 4 môn thi (kiến thức chung, chuyên ngành, tiếng Anh và tin học văn phòng).
Bộ máy quản lý nhà nước muốn tìm được người thực tài thì phải đổi mới cách thi cử như cha ông ta ngày xưa. Chỉ có như vậy “con cháu nông dân, công nhân, người nghèo mới có cơ hội, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước”. Chỉ có đổi mới cách thi mới loại bỏ được tình trạng cả họ làm quan, con kính thưa bố, chồng bổ nhiệm vợ… đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.
Chỉ có đổi mới cách thi mới có một Chính phủ kiến tạo thực sự. Chính phủ kiến tạo không nên chỉ hiểu là các thành viên Chính phủ liêm chính, kiến tạo, mà toàn bộ bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cũng phải liêm chính, kiến tạo.