- Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm việc với 5 địa phương miền Trung về giải ngân vốn đầu tư công
- Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024
- Cần Thơ đề ra nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa: Không tiếc tiền nhưng lo khó giải ngân
Vì sao giải ngân thấp?
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo các tỉnh, thành đã có “giải trình” về nguyên nhân khách quan và chủ quan của địa phương mình trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhìn nhận rằng, bên cạnh nguyên nhân vướng mắc về cơ chế thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đạt kết quả cao nhất. Ngoài ra, việc Quảng Nam 7 tháng khuyết lãnh đạo tỉnh, kể cả giám đốc sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường đều là những đơn vị quan trọng trong khâu giải ngân, điều này cũng có ảnh hưởng. Một số đội ngũ cán bộ còn tâm lý sợ sai, chưa dám làm.
Quang cảnh buổi làm việc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang thì cho biết, trong thời gian dài, tỉnh khuyết vị trí Chủ tịch UBND tỉnh.
“Tâm lý e dè, sợ sai của một số chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa quyết liệt trong công tác giải ngân vốn cũng như chưa mạnh dạn tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói.
Để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, các tỉnh đề xuất sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi để sớm giải quyết các vướng mắc, tồn tại, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Các địa phương báo cáo vướng mắc, khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. |
Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị xem xét phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương trong quá trình lập, thẩm định dự án và lập, thẩm định thiết kế thi công để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thực hiện các dự án tu bổ di tích cấp quốc gia.
Liên quan đến chi phí thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, TP.Đà Nẵng đề nghị bổ sung nội dung này vào Luật đầu tư công sửa đổi và quy định cụ thể là thành phần chi phí trong kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án và được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bao gồm: Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; Quốc lộ 14D; Quốc lộ 14G; Quốc lộ 14B; Quốc lộ 40B; Quốc lộ 14H.
Tỉnh Bình Định đề nghị xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
TP.Đà Nẵng đề nghị xem xét bổ sung dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 14G vào danh mục các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương giao cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Thủ tướng Chính sớm điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 nguồn vốn ngân sách trung ương của tỉnh là 220,396 tỷ đồng, để có cơ sở cho địa phương điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 trước ngày 15/11/2024 theo quy định và thực hiện giải ngân kịp thời; Kính đề nghị Bộ KHĐT, Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 nguồn ngân sách trung ương cho tỉnh Quảng Ngãi đã được đề xuất tại công văn số 5195/UBND-KTTH ngày 27/9/2024 là 704,304 tỷ đồng, trong đó vốn bố trí cho dự án liên vùng, ven biển giảm 82 tỷ đồng, vốn bố trí cho dự án ngành, lĩnh vực giảm 20,304 tỷ đồng;…
Các địa phương cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đã đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Bình Định đã có tỉ lệ giải ngân vượt mức trung bình của cả nước; đây là những địa phương đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình kết luận buổi làm việc. |
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, song hiện nay tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024 là trên 95% kế hoạch được giao.
Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các địa phương, nhất là các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải xác định rõ, nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phải có sự quyết tâm cao hơn trong khắc phục các hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các địa phương bám sát các quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tích cực tham gia vào công tác hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư công.
Chú ý đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, làm tốt công tác tái định cư; tập trung cho các dự án trọng điểm của địa phương. Đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn cung nguyên vật liệu cho các công trình, thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt giá cả và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai hoạt động thường xuyên của tổ công tác của địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Quan tâm hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân đối với các Chương tình mục tiêu quốc gia, các dự án và công trình trọng điểm.
"Chính phủ luôn đồng hành cùng các địa phương trong tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, song các địa phương cũng phải phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo. Lãnh đạo địa phương phải bám sát thực tế, phải đến các dự án để xem xét, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.