Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ cho 5 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng chống hạn, mặn, phục vụ đời sống nhân dân (ảnh: Trọng Tín) |
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về hạn hán, xâm nhập mặn vào chiều ngày 8/3, tại tỉnh Bến Tre.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu long (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ).
Trong tháng 2/2020, xâm nhập mặn tăng cao từ ngày 8/2 đến 16/2/2020, với ranh mặn 4 g/l tại vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 100 - 110km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4 - 6 km; vùng cửa sông Cửu Long từ 66 - 75km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3 - 10 km.
Đối với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh.
Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020.
Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn của các Bộ, Ngành và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ảnh: Trọng Tín) |
Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015 - 2016 là 210.000 hộ). Các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước.
Để tăng cường công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ thiết bị lọc RO cho các nhà máy cấp nước tập trung để xử lý nước lợ, mặn cho các khu dân cư không có nguồn nước ngọt. Đồng thời, trích từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị hạn hán, xâm nhập mặn.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các địa phương phải đẩy nhanh các công trình điều tiết nước, đảm bảo nước cho phát triển, xây dựng chuyển đổi mùa vụ, hướng dẫn người dân trong giải pháp phòng chống hạn, từ đó sẽ hạn chế được thiệt hại do hạn mặn gây ra.
“Theo dự báo hạn mặn sẽ tiếp tục tiếp diễn phức tạp, vì vậy cần có các giải pháp ứng phó, các Bộ, Ngành cần nghiêm tục thực hiện chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng. Tập trung các giải pháp cung cấp nước cho người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Về lâu dài, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tình hình nhiễm mặn ngày càng gây gắt bởi lượng nước từ thượng nguồn sông Mêkong ngày càng giảm do các nước trong khu vực tập trung khai thác nguồn thủy lợi, thậm chí có can thiệp về dòng chảy. Chưa kể, do biến đổi khí hậu và nước biển dân ngày càng cao, nên đề nghị các Bộ, Ngành và địa phương phải thực hiện có hiệu quả các giải pháp để có kịch bản ứng phó tốt.
“Phải tập trung phát triển quy hoạch vùng, tái cấu trúc kinh tế vùng và các địa phương, ứng phó với hạn mặn. Trong đó phải có quy hoạch giao thông, quy hoạch thuỷ lợi.... Xây dựng quy hoạch tổng thể để đầu tư xây dựng hạ tầng của tỉnh”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm, kế hoạch này không chỉ dừng trong năm nay mà việc ứng phó này phải phải lâu dài, để sớm lựa chọn các dự án đưa vào kế hoaạch phát triển trung hạn và dài hạn.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi thực tế các dự án ngăn mặn tại tỉnh Bến Tre (ảnh: Lê Toàn) |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành và 7 tỉnh ven biển đã chủ động, sáng tạo các giải pháp cụ thể, chi tiêu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, thực hiện nghiêm túc thủ thị của Thủ tướng nên thiệt hại của chúng ta. Vì vậy, về cây lúa chỉ mới thiệt hại 9,6% và so với cả khu vực chỉ thiết hại 1,2%.
“Nhân dân vùng của chúng ta có nhận thức rất rõ, coi hạn mặn là thực tế phải đối mặt cùng với chính quyền bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dữ trữ nước ngọt” Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm, trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn tại vùng Châu thổ... việc áp dụng toàn bộ các giải pháp cứng song song với giải pháp mềm đã biến thách thức thành cơ hội đã có rất rõ.
“Tôi thông tin với toàn bộ bà con trên toàn quốc rằng, chúng ta đủ cơ sở dự phòng lương thực rất cao, gấp 1,5 lần. Hiện nay trong kho của chúng ta vẫn còn một lượng lương thực rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, hạn mặn năm nay lịch sử, gay gắt hơn năm 2016, do đó, thiệt hại cho nhân dân các tỉnh vẫn lớn. Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, nước sản xuất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Dù trung ương cảnh báo, địa phương chủ động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều biện pháp chỉ đạo, nhưng vùng vẫn bị thiệt hại.
“Trước hết, cần giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo tiêu chuẩn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là có giải pháp hạn chế thấp nhất về kinh tế xã hội ở khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Liên quan đến kiến nghị hỗ trợ của các tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ cho mỗi tỉnh 70 tỷ đồng sử dụng vào việc nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt, khoan giếng, tiền điện, tiền dầu bơm nước vượt định mức...
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy phạm về phạm vi, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ trung ương cho các địa phương để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Đồng thời, các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính Phủ để tăng cường thực hiện các giải phá thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện khẩn cấp các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.