- PGS.TS Đào Văn Hùng: Quý IV, tốc độ giải ngân vốn mới thực sự mạnh
- Đề nghị gia hạn giải ngân vốn ODA dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II
- Giải ngân vốn đầu tư công: Đến 30/9 đạt dưới 30% sẽ không được bố trí vốn năm 2017
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết tâm giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2016 đúng hạn
Chuyện được kể ở nút giao cắt giữa Quốc lộ 7B, Quốc lộ 1 với đường sắt Bắc Nam ở tỉnh Nghệ An. Mỗi ngày, khoảng 16-17 chuyến tàu đi ngang đây, tai nạn rình rập mà người dân cũng đi lại khó khăn. Để tránh tình trạng này, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt Dự án xây dựng cầu vượt trị giá 230 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của Dự án Quốc lộ 1. Nhưng Quốc lộ 1 làm xong đã nửa năm nay mà dự án cầu vượt vẫn ì ạch, chưa thể triển khai. Chi phí giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu đội lên từng ngày, lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Thực tế, đây không phải là chuyện ở riêng nút giao cắt đường sắt Bắc Nam ở Nghệ An, mà còn ở nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công trong cả nước. Hàng quý, hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi trình Chính phủ báo cáo giám sát đầu tư, luôn dành một phần đáng kể để nói về các dự án chậm tiến độ, gây thất thoát, lãng phí.
Một phần vốn dư của Dự án Quốc lộ 1 được sử dụng để xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa Quốc lộ 7B, Quốc lộ 1 với đường sắt Bắc Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Và chuyện cũng không chỉ xảy ra ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, mà ở cả các dự án sử dụng vốn vay ODA. Năm ngoái, 17 dự án sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) chậm giải ngân đã bị rà soát lại, nếu tình hình không biến chuyển tích cực thì sẽ bị điều chuyển vốn đầu tư sang dự án khác, thậm chí có nguy cơ bị WB “cắt” vốn.
Mới cách đây ít ngày, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã lại một lần nữa chỉ đạo các cơ quan chủ quản của 5 chương trình, dự án ODA vay vốn WB có vướng mắc lớn, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời tiến hành tái cấu trúc dự án và đề xuất hủy một phần hoặc toàn bộ vốn không có khả năng sử dụng, để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10/2016. Với các dự án còn lại, việc rà soát cũng sẽ được tiếp tục thực hiện để có phương án xử lý, nếu không có tiến triển, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2016.
Chậm tiến độ, dự án không được đưa ra vào triển khai không chỉ gây lãng phí lớn, mà còn ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, cũng như trong việc tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn sau. “Đầu tư công có hiệu ứng lan tỏa rất lớn tới nền kinh tế, nhất là các ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng…”, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nói và cho rằng, việc 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư chậm đã ít nhiều tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách nhà nước mới đạt 32,2% kế hoạch, trong khi cùng kỳ đạt 44,4%; vốn trái phiếu chính phủ đạt 23% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34%); còn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thực trạng trên đã khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất sốt ruột. Cuối tháng 5/2016, khi họp bàn với các thành viên Chính phủ về kinh tế vĩ mô, người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đi, nhắc lại rằng, “yêu cầu số một lúc này là không để có tiền mà không giải ngân được mà phải đưa nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách còn dư, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Mới đây, một nghị quyết riêng về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 đã được Chính phủ ban hành. Phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, tuy cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2014, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và vẫn còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
“Để tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm đạt 7,6%, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, không có cách nào khác là phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh đã khẳng định như vậy với Báo Đầu tư.
Câu chuyện còn lại là làm sao để thúc đẩy giải ngân? Tại phiên họp mới đây liên quan tới nội dung này, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư chậm là do cả yếu tố khách quan và chủ quan là chính. Do vậy, Thủ tướng đã đề nghị từng bộ, ngành phải rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ phụ trách lĩnh vực này, phải có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp chậm trễ trong giải ngân, như rút vốn, thay thế nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.
“Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đang được đặt ra hết sức cấp bách. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đề ra giải pháp điều hành bài bản, phấn đấu trong quý III/2016 phải có đột phá về kết quả và tiến độ giải ngân”, Thủ tướng nói và chỉ đạo phải quyết tâm giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2016 đúng hạn, để góp phần hoàn thành kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã đề ra.
Trong Nghị quyết 60 của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, các nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả việc rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và thẩm định các chương trình mục tiêu quốc gia, điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016, cũng như rà soát các dự án chậm giải ngân để có phương án xử lý…
Để thực hiện nhiệm vụ trên, cuối tuần này, Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2016 sẽ được tổ chức tại Nha Trang và một trong những nội dung sẽ được tập trung thảo luận là làm sao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.