Sắp có hành lang pháp lý cho P2P lending |
Theo đó, cùng với việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định trên, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.
Hành lang pháp lý thử nghiệm (Sandbox) cho Fintech đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư vào đầu năm nay, lãnh đạo Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, sau khi Chính phủ có kết luận, NHNN sẽ xây dựng Nghị định, dự kiến ban hành cuối năm 2021.
Hiện công nghệ phát triển với tốc độ tên lửa đã làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới chưa từng có tiền lệ, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh (ví dụ mô hình P2P lending, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng…). Tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều hoạt động cầm chừng giữa hai lằn ranh sáng tối. Khoảng trống pháp lý này đang gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, cho người dùng và cả doanh nghiệp. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản pháp lý được doanh nghiệp đánh giá là quá chậm trễ.
Trước đó, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money), tức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Thời gian thí điểm trong 2 năm, tính từ 9/3. Hiện đang có 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị triển khai là Viettel, VNPT và MobiFone.
Được biết, bên cạnh thiết lập hành lang pháp lý cho Fintech, Mobile Money, NHNN cũng đang tập trung hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự thảo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025.