An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng tăng, nhưng việc bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Vai trò then chốt của chính quyền cơ sở
Đặc biệt, tại các địa phương, công tác quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở, bởi đây là nơi tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng với người dân, có khả năng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm.
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. |
Chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã, phường và thị trấn, đóng vai trò quyết định trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là cấp quản lý gần dân nhất, có thể giám sát và xử lý trực tiếp các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm ngay tại địa phương.
Trách nhiệm của chính quyền cơ sở không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các chỉ đạo từ cấp trên mà còn cần phải chủ động triển khai các hoạt động phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc ngày càng trở nên phức tạp.
Tuy nhiên, hiện theo phản ánh, cơ sở gặp nhiều khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm do hàng hóa phong phú về chủng loại, mẫu mã; nhiều thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ; xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, nguồn nhân lực cơ sở cũng còn khiêm tốn.
Theo lãnh đạo phòng Y tế huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội, bà Vương Thị Ngọc Diên, nhân lực thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng tại cấp huyện và cấp xã; đa số công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Điều này khiến công tác tham mưu, triển khai thực hiện hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là hoạt động kiểm tra còn hạn chế.
Một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại thực phẩm cũng gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh tự công bố sản phẩm; đồng thời là rào cản đối với cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền cơ sở trong quản lý an toàn thực phẩm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Đồng thời, các cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở cũng phải là người tuyên truyền hiệu quả các kiến thức về các loại thực phẩm an toàn, các dấu hiệu nhận biết thực phẩm bị nhiễm khuẩn, hóa chất độc hại hoặc không rõ nguồn gốc.
Chính quyền cơ sở cần thực hiện giám sát thường xuyên và kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm tại địa phương.
Việc kiểm tra cần được thực hiện định kỳ, đột xuất, và kết hợp với các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm. Các cơ sở này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, bảo quản và chế biến thực phẩm.
Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm
Để quản lý an toàn thực phẩm, hiện đã phân cấp về tận cơ sở. Theo đó, nhằm tăng tính răn đe với sai phạm, theo một số ý kiến, chính quyền cơ sở cần kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm tại địa phương, đặc biệt là những hành vi cung cấp thực phẩm không an toàn cho người dân.
Các hình thức xử phạt phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm minh, không có vùng cấm, từ việc xử phạt hành chính đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng. Đây là biện pháp quan trọng nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Một số địa phương đã thành công trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn và tiêu biểu trong công tác an toàn thực phẩm.
Chính quyền cơ sở cần hỗ trợ, khuyến khích các mô hình này phát triển, đồng thời đảm bảo tính bền vững của các mô hình trong cộng đồng.
Các mô hình như "Chợ an toàn thực phẩm", "Hợp tác xã sản xuất thực phẩm sạch", "Cửa hàng thực phẩm an toàn" là những ví dụ điển hình cần được duy trì và phát huy. Việc tạo ra các kênh phân phối thực phẩm an toàn, minh bạch giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và lựa chọn thực phẩm bảo đảm chất lượng.
Phó chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội Lê Văn Thu cho biết, huyện Phúc Thọ luôn xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm quan trọng đối với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Việc quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm góp phần giữ gìn an toàn xã hội, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành chức năng khắc phục hạn chế, tồn tại, đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.
Cùng với đó, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, nhất là tăng cường đoàn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc bếp ăn tập thể, khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm…
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, Chi cục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, tập trung vào công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm...
Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm; trang bị kiến thức cho người dân tự bảo vệ bản thân và gia đình…