Vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề có thể bị phạt 150 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/11/2015, Nghị định số 79 của Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
Trong đó, mức phạt cao nhất là 80-100 triệu đồng đối với trường cao đẳng thành lập cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Các cấp cơ sở khác như trung tâm giáo dục nghề, trung cấp sẽ bị phạt từ 40 đến 80 triệu đồng với vi phạm này.
Các cá nhân, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề có thể bị phạt hàng trăm triệu đồng nếu vi phạm. |
Chế độ bồi dưỡng cho Công an làm việc với người nhiễm HIV
Có hiệu lực từ ngày 1/11, Quyết định 43 của Thủ tướng quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, khám chữa bệnh với trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS.
Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ CAND trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, khám chữa bệnh với người bị nhiễm HIV/AIDS được hưởng chế độ bồi dưỡng 500.000 đồng/người/tháng cho cán bộ y tế, trinh sát, trực trại, trực cơ sở, khám xét, giáo dục, giáo vụ, quản giáo, cảnh sát bảo vệ - cơ động tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và nhà tạm giữ…
Mức: 400.000 đồng/người/tháng cho Trưởng phân trại, Phó phân trại, Trưởng phân khu, Phó phân khu, Trưởng phân hiệu, Phó phân hiệu; Đội trưởng, Đội phó...
Bồi dưỡng 2 triệu đồng nếu cung cấp thông tin hài cốt liệt sĩ
Thông tư 148 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/11 quy định nội dung và mức chi thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Cụ thể, chi bồi dưỡng cho người cung cấp thông tin 2 triệu đồng đối với một thông tin được xác minh chính xác về hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, không phụ thuộc số lượng hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đồng thời, người xác minh thông tin này cũng được hưởng tiền công tác phí và tiền bồi dưỡng ngoài công tác phí theo quy định là 100.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ, hỗ trợ tối đa 1.750.000 đồng/mộ (đã bao gồm xây tạm vỏ mộ sau khi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để thực hiện giám định gien) để hoàn thiện mộ (cả bia) sau khi kết thúc việc xác định thông tin về hài cốt liệt sĩ trong trường hợp lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Hạn tuổi tính hưởng trợ cấp với cán bộ quân đội
Theo Thông tư 106 có hiệu lực từ 4/11 của Bộ Quốc phòng thì hạn tuổi để tính hưởng trợ cấp đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi được quy định như sau: Đối với sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy: 46 tuổi, Thiếu tá: 48 tuổi, Trung tá: 51 tuổi, Thượng tá: 54 tuổi, Đại tá: Nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi, cấp tướng: Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.
Đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ ứng với cấp bậc quân hàm: Cấp úy: 46 tuổi, Thiếu tá: 48 tuổi, Trung tá, Thượng tá: 50 tuổi.
Hạn tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ làm công tác cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ hưởng lương như đối với quân nhân theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.
Không được phát triển du lịch tại khu vực đảo Bình Ba
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định đảm bảo an ninh, an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh, có hiệu lực từ 6/11. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn Căn cứ quân sự Cam Ranh thông qua các hoạt động chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh quản lý chặt chẽ người nước ngoài, người ở nơi khác đến và người Việt Nam định cư ở nước ngoài ra, vào khu vực bảo vệ và vành đai an toàn; không để người dân đến cư trú trái phép trong các khu vực nói trên.
Bảo đảm các hoạt động kinh tế trong khu vực bảo vệ và vành đai an toàn không làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Các dự án đầu tư trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận liên quan đến khu vực Căn cứ phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Riêng khu vực mũi Hời, đảo Bình Ba, Hòn Chút không được tiến hành, phát triển các loại hình du lịch…
Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Có hiệu lực từ 15/11, Nghị định số 82 của Chính phủ quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài...và để được miễn thị thực phải đảm bảo các điều kiện: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn thời hạn ít nhất 1 năm; Có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam; Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo quy định, giấy miễn thị thực được cấp vào hộ chiếu. Các trường hợp được cấp rời gồm: Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực; Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; theo đề nghị của người được cấp giấy miễn thị thực; vì lý do ngoại giao, quốc phòng, an ninh. |
Chế độ ăn, nghỉ lao động trong ngày lễ, Tết của phạm nhân
Có hiệu lực từ 27/11, Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt chăm sóc y tế đối với phạm nhân, theo đó, về chế độ ăn, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt.
Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, thì định lượng ăn được tăng thêm. Thời gian phạm nhân lao động và học tập, học nghề không quá 8 giờ/ngày. Ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn.