Theo nguồn tin của VnExpress, Hội đồng tái thẩm gồm nhiều thẩm phán có kinh nghiệm của TAND Tối cao đồng ý với kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Hai bản án tuyên ông Chấn tù chung thân về tội Giết người (đã có hiệu lực) bị tuyên hủy.
Luật sư Nguyễn Đức Biền (người bào chữa cho ông Chấn ở cả hai cấp xét xử) xúc động thốt lên: "Cuối cùng thì sự thật đã được chứng minh. Có người nói VKSND Tối cao đã dũng cảm nhận sai, nhưng theo tôi nói dũng cảm là hơi quá, bởi vì sự thật khách quan đã phơi bày ra trước mắt. Hung thủ thật sự đã ra đầu thú, Chấn không có tội thì đương nhiên phải hủy án oan, không thể làm khác".
Theo ông Biền, vụ án này là bài học cảnh tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng; cần tôn trọng sự thật, không áp đặt ý chí chủ quan vào vụ án.
|
Người thân òa khóc khi ông Chấn được xe công an đưa về nhà. Ảnh: Người Lao động |
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, với phán quyết trên, ông Chấn đã được công nhận là không phạm tội. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, cơ quan xét xử cuối cùng vụ án, sẽ phải bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Khi đó, ông Chấn có quyền đâm đơn kiện ra TAND huyện Việt Yên yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao bồi thường các khoản: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe.
Thiệt hại về tài sản và thu nhập được tính theo mức thiệt hại thực tế. Riêng thiệt hại do tổn thất về tinh thần, luật quy định cứ một ngày bị tạm giữ, tạm giam, ngồi tù oan thì được bồi thường số tiền tương đương ba ngày lương tối thiểu (hơn 52.000 đồng). Ví dụ, nếu bị giam oan 10 năm (tương đương 3.650 ngày), ông Chấn có thể đòi bồi thường hơn 190 triệu đồng.
10 năm trước, ngày 29/8/2003, ông Chấn bị bắt, khởi tố về tội Giết người do bị nghi là thủ phạm gây ra cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan. Tại phiên sơ thẩm, phúc thẩm, ông không nhận tội và bị tuyên án tù chung thân. Trong khi thụ án, ông đã gửi một số đơn kêu oan.
Ở nhà, vợ ông Chấn là Nguyễn Thị Chiến cũng gửi đơn tới nhiều nơi. 4 tháng trước, trong đơn gửi về VKSND Tối cao, bà cho biết qua tìm hiểu thì thủ phạm thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung, từng trú cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc xác minh. Ngày 25/10, Chung ra đầu thú, khai gây ra vụ giết người, cướp tài sản. Ngày 4/11, VKSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, rời trại giam về nhà.
Việt Dũng (VnExpress)