Doanh nghiệp
Chính thức mở cửa thị trường đường từ đầu năm 2020
Thế Hải - 15/11/2019 10:55
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BCT quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Việt Nam chính thức bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường từ 1/1/2020

Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN và triển khai Nghị quyết số 130/NQ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ, ngày 13 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BCT quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Sau khi Thông tư có hiệu lực, số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công Thương công bố theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng với các nước WTO.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế để đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước nếu có sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu dẫn đến thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo cam kết AFTA, tức là khu vực mậu dịch tự do của ASEAN, Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA đã có hiệu lực và các quốc gia mở cửa thị trường đường bắt đầu từ năm 2018, nhưng Việt Nam xin lùi thời hạn đến 2020. Như vậy, Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong ASEAN trong việc mở cửa thị trường đường cho các nước trong tham gia trong nội khối.

Bộ Công Thương cho rằng, về cơ chế mở cửa thị trường đường theo cam kết quốc tế trong ATIGA, Việt Nam phải thực hiện.

"Trong các kỳ họp của Hội đồng Kinh tế ASEAN liên tục trong 2 năm 2018 và 2019 thì các nước đều phản ứng chính thức với Việt Nam về việc ta lùi thời hạn mở cửa thị trường đường, thậm chí có những nguy cơ họ sẽ tiếp tục phản ứng dưới hình thức trừng phạt hoặc họ rút lại những cam kết mở cửa thị trường các lĩnh vực khác của họ đối với chúng ta", ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương nói.

Đến nay các nước ASEAN cơ bản đã đồng thuận chấp nhận cho Việt Nam mở cửa vào ngày 01/01/2020. Vì vậy, nếu không thực hiện mở cửa thì sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến tiến trình hội nhập và nhất là đến việc thực thi các hiệp định khác, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với những đối tác khác.

Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ cũng đã thống nhất tiếp tục thực hiện quyết định mở cửa thị trường đường vào ngày 01/1/2020. Tuy nhiên, trong hội nhập vẫn còn có những cơ chế và những công cụ pháp lý để bảo vệ được ngành sản xuất trong nước, đó là cơ chế phòng vệ thương mại.

Nếu như trong thời điểm sau khi mở cửa thị trường, đường nhập khẩu nhập vào Việt Nam mà gây ra đe dọa nghiêm trọng đến các ngành sản xuất trong nước và lợi ích của người dân trong nước thì Việt Nam có quyền áp dụng cơ chế phòng vệ áp thuế tự vệ với các sản phẩm nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội mía đường, Bộ Nông nghiệp cũng như các chủ thể trong ngành công nghiệp mía đường để có những giải pháp cụ thể và kịp thời, trong đó có cả đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn nhập khẩu đường gian lận và Việt Nam cũng bảo vệ bằng các biện pháp, công cụ pháp lý cho các ngành sản xuất trong nước, bên cạnh những biện pháp tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của ngành đường.

Tin liên quan
Tin khác