| ||
Việc chính thức nới room cho vốn ngoại sẽ mở đường cho tái cơ cấu GPBank |
Nhà đầu tư ngoại được mua cổ phần cao hơn nhà đầu tư nội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức ký ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo Nghị định này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của tối đa một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước đã được nâng lên 20%vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo quy định cũ, tỷ lệ này là 15%, trong trường hợp đặc biệt, con số này là 20% với điều kiện được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN) khẳng định, tỷ lệ sở hữu trên (20%) là đã ưu ái cho nhà đầu tư ngoại. Bởi các nhà đầu tư trong nước cũng chỉ được sở hữu tỷ lệ tối đa 15%.
Cũng theo Nghị định 01, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó cũng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng nội.
Đặc biệt, trong Nghị định này, Chính phủ cho phép nới mạnh room với các trường hợp ngân hàng yếu kém, cần cơ cấu lại. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
Nhà đầu tư chiến lược chỉ được sở hữu một ngân hàng
Trong Nghị định 01/2014/NĐ-CP, Chính phủ quy định rất chặt chẽ điều kiện đối với tổ chức nước ngoài sở hữu 10% vốn điều lệ TCTD như: được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên. Có đủ nguồn tài chính để mua cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập năm liền kề trước năm nộp hồ sơ và nguồn vốn mua cổ phần hợp pháp theo quy định của pháp luật. Không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng này cũng không được vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và thị trường chứng khoán của nước nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính và Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần.
Đồng thời, phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ USD đối với nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính hoặc có mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 1 tỷ USD đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khác vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.
Trong trường hợp muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, ngoài các điều kiện trên, các nhà đầu tư nước ngoài còn phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe như: có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên, có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần, cóvăn bản cam kết và kế hoạch rõ ràng về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam, hỗ trợ tổ chức tín dụng Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành.
Ngoài ra, để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại nhà băng nội, tổ chức tín dụng nước ngoài cũng không được phép sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào khác tại Việt Nam…
Nghị định đầu tiên của Chính phủ ban hành trong năm 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút vốn ngoại vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Dư luận kỳ vọng, Nghị định này ra đời sẽ mở đường cho thương vụ ngân hàng UOB của Singapore sớm mua lại ngân hàng yếu kém GPBank.
Thùy Liên