Cao tốc Nội Bài - Lào Cai - tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam do VEC đầu tư khai thác. |
Sáng nay (30/3), tại Trụ sở Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng sáp nhập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trước sự chứng kiến của Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Lãnh đạo Bộ GTVT.
“Đây là kết quả của cả một quá trình triển khai các thủ tục hết sức khẩn trương và trách nhiệm của hai đơn vị, cùng với sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT”, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, sau Lễ ký kết hợp đồng sáp nhập, VEC và CIMP sẽ tiếp tục khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để hoàn tất thủ tục sáp nhập đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành, đảm bảo hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021, qua đó, đảm bảo duy trì hoạt động của VEC ổn định và phát triển.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục cùng Ủy ban xử lý dứt điểm các vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình sáp nhập hai đơn vị cũng như hỗ trợ VEC trong việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC đầu tư.
Trước đó, ngày 8/3/2021, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký ban hành Quyết định số: 62/QĐ-UBQLV về việc sáp nhập CIPM vào VEC, thời gian hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021.
Theo ông Trương Việt Đông, Chủ tịch HĐTV VEC, hiện nay VEC đang trong quá trình xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền xử lý vướng mắc liên quan đến phương án tài chính các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư. Cùng với việc xử lý dứt điểm phương án tài chính 5 dự án, việc nhận sáp nhập CIMP sẽ giúp VEC có thêm tiềm lực và kinh nghiệm trong việc đầu tư, vận hành hệ thống đường cao tốc quốc gia.
"Chúng tôi rất mong Bộ GTVT sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho VEC tiếp tục tham gia đầu tư vào các dự án đường cao tốc cũng như vào việc vận hành, khai thác, thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư nhằm tận dụng kinh nghiệm của cả hai đơn vị", ông Đông đề xuất.
Tại cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới hôm 10/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cân nhắc bổ sung VEC vào Đề án như là một đơn vị Nhà nước chủ lực, dẫn dắt đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
“Hiện một số doanh nghiệp, lĩnh vực có thể chưa tốt nhưng cần thì vẫn có thể đưa vào Đề án để phát triển mạnh lên, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, lĩnh vực đang làm ăn tốt. Tranh thủ cơ hội để giúp doanh nghiệp trỗi dậy, đất nước bứt phá”, Bộ trưởng nói.
VEC được thành lập ngày 6/10/2004. Sau hơn 15 năm thành lập, VEC đang là một trong những đơn vị đầu tư phát triển đường cao tốc lớn nhất Việt Nam với 5 dự án trị giá hơn 10 tỷ USD, gồm: Nội Bài – Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.
Trong khi đó, CIPM được Bộ GTVT thành lập trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 trên cơ sở chuyển đổi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (được thành lập năm 1994), Công ty TNHH MTV Quản lý và sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ. Tổng công ty này có số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con trên cơ sở kế thừa các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ hợp pháp của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, bao gồm 1 số dự án mà Bộ GTVT giao làm đại diện chủ đầu tư/chủ đầu tư.
Cả 2 Tổng công ty được thành lập với cùng một mục tiêu là trở thành các doanh nghiệp nòng cốt của ngành Giao thông vận tải về đầu tư, xây dựng và khai thác đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, cả VEC và CIPM đều gặp khó khăn về nguồn vốn - không đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Đối với CIPM, việc hình thành vốn điều lệ theo mục tiêu thành lập không thực hiện được do cơ chế chính sách thay đổi, vì vậy hoạt động chính của CIPM từ khi thành lập đến nay vẫn là quản lý dự án như một Ban quản lý dự án của Bộ GTVT. Do vậy, cần thiết thành lập lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận để tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm về quản lý dự án, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án được Bộ GTVT giao.
Mặt khác, do sau khi thành lập lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, phần giá trị tài sản và nhân sự xác định lại của CIPM không còn đủ điều kiện, chỉ tiêu xếp hạng của một tổng công ty nên cần thiết chuyển giao phần giá trị tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của CIPM về VEC (là một đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, nay thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với CIPM) để tăng năng lực cho VEC, góp phần vào việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của ngành GTVT.
Trên cơ sở thực tiễn của cả 2 doanh nghiệp và các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức lại CIPM và phương án đã được sự ủng hộ của các Bộ, Ngành. Tại Văn bản số 9041/VPCP-ĐMDN ngày 20/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất về chủ trương phương án tổ chức lại CIPM theo hướng sáp nhập CIPM vào VEC; đồng thời thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở tách một phần nhân sự và tài sản từ CIPM.