Điểm nóng
Chỉnh trang khu Văn công TP. Thanh Hóa: Dân bất an, nhà đầu tư sợ
Sĩ Chức - 05/05/2016 22:10
Với mục tiêu là cải thiện và nâng cao đời sống văn nghệ sỹ tỉnh nhà, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thực hiện Dự án Khu dân cư Nhà hát nhân dân phường Ba Đình. Vậy nhưng, cả những đối tượng đang được dự kiến “nâng cao đời sống” và nhà đầu tư đều đang bất an.

Với quyết định này, diện tích lập điều chỉnh quy hoạch là 34.877 m2, ảnh hưởng tới 191 hộ dân, trong đó, 35 hộ bị thu hồi đất, 28 hộ thu hồi đất sản xuất, kinh doanh và 128 hộ (ở khu tập thể). Tuy nhiên, khi  Dự án đi vào triển khai thì những người dân đang sống tại khu vực này, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ đã phản đối gay gắt về đơn giá đền bù.

Hình thành từ những năm 1980, khu Nhà hát nhân dân là nơi đóng trụ sở của 5 đoàn văn công, (bao gồm đoàn Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Ca múa kịch) và trung tâm văn hóa tỉnh Thanh, và cũng là nơi có khu tập thể là một tòa nhà chung cư 3 tầng. Nơi đây, chính là chỗ cư ngụ của 128 hộ gia đình thuộc các đoàn nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, cơ sở vật chất, hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng. Cùng với thời gian, kiến trúc cảnh quan xập xệ đã tạo thành khu ổ chuột giữa lòng Thành phố, gây mất mỹ quan đô thị.

.

Mặc dù các văn nghệ sĩ ở đây đã gần 40 năm - thời điểm trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực, nhưng 128 hộ cư dân này đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy tờ liên quan chứng nhận việc sở hữu nhà ở chung cư. Như vậy, về mặt pháp lý, khu đất này thuộc quyền sở hữu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, đơn vị được phân cấp quản lý và sử dụng vào mục đích phục vụ cán bộ công nhân viên chức.

Ông Lê Thế Dương, nguyên Trưởng đoàn Kịch nói Thanh Hóa, cư dân trong Khu tập thể Văn công cho rằng, khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng niêm yết giá đền bù, người dân đã không được bàn bạc thống nhất việc áp giá là sai nguyên tắc. “Chúng tôi đã sinh sống tại đây từ những năm 1980, vì vậy, việc di dời này phải được áp giá đền bù theo Nghị định số 47/2014/NĐ - CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư”.

Đồng quan điểm trên, cư dân khu chung cư văn công, bà Đỗ Thị Hà, một nghệ sĩ đã về hưu cho rằng, các cơ quan chức năng phải áp giá theo mức đền bù đúng với quy định tại điểm 4, Điều 3, Nghị định 47/2014/NĐ-CP. Để chứng minh cho lý lẽ của mình, bà Hà cho rằng, các cư dân trong Khu  đều có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vì vậy, ngoài việc áp giá hợp lý để đền bù, mỗi hộ nhận được 1 lô đất tại khu tái định cư là quyền lợi hợp pháp của những cư dân khu vực này. Mặc dù xác định quyền lợi như vậy, nhưng bà Hà cho rằng, dẫu có được phân đất thì những người làm công tác nghệ thuật cả đời như bà cũng chẳng đủ tiền xây nhà để ở!

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho rằng, từ góc độ quản lý, trong việc này có một phần “lỗi” của ngành, bởi trước đó khi tỉnh giao khu đất này cho ngành văn hóa có thành lập ban quản lý để quản lý toàn bộ khu vực này. Tuy nhiên, một phần do trải qua những cuộc thay đổi cơ cấu tổ chức, rồi sáp nhập… trong một thời gian quá dài, nên ban quản lý cũng… giải thể từ khá lâu. Ông Thanh cho biết thêm, tình trạng nhà được mua đi, bán lại khá phổ biến đã khiến số người ngoài ngành đang ở trong khu tập thể này rất nhiều.

Với quyết định trên, các hộ dân cư tại khu tập thể được hỗ trợ về công trình kiến trúc, hoa màu trên đất… trong khung từ 100 - 500 triệu đồng; ngoài ra, các hộ còn nhận được 1 xuất đất tái định cư với diện tích 80 - 90 m2, có mức giá tương đương khoảng 300 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Thụ, Phó chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho rằng, với cách thức hỗ trợ này, Nhà nước đã thực sự tạo điều kiện hỗ trợ cho giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố cũng đã đưa ra phiếu lấy ý kiến của các hộ dân về nhu cầu tái định cư tại chỗ. Trong trường hợp, đại đa số các hộ đồng ý với phương án tái định cư tại chỗ, UBND TP. Thanh Hóa sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng xây dựng khu chung cư tại mặt bằng này cho các hộ dân.

Đại diện chủ đầu tư, ông Vũ Minh Công, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quảng Long Thanh Hóa thì khẳng định: “Nếu các hộ Khu tập thể Văn công không đồng tình với các phương án trên trước tháng 5/2016, doanh nghiệp sẽ trả lại Dự án cho tỉnh Thanh Hóa”. Theo đại diện chủ đầu tư này, do số tiền doanh nghiệp bỏ ra đặt cọc để thực hiện Dự án không hề nhỏ, cùng với việc hỗ trợ đền bù mang tính chất ưu đãi, nên hiệu quả của dự án đối với doanh nghiệp không còn được như kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác