Vấn đề chậm thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được nói đến ở nhiều diễn đàn, nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Tại sao vậy, thưa ông?
Về khách quan, việc bán vốn chậm trước đây thường vin vào lý do lượng vốn nhà nước chủ yếu tập trung ở tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp quy mô lớn nên thoái vốn phức tạp; thị trường chứng khoán chưa thực sự thuận lợi.
Không thể phủ nhận những nguyên nhân này. Nhưng đây chỉ là nguyên nhân thứ yếu, mà chủ yếu là theo quy định, hàng năm, doanh nghiệp phải kiểm kê tất cả tài sản hữu hình, đất đai, nợ phải thu, nợ phải trả, nợ quá hạn, nợ phải thu khó đòi, hàng tồn kho… Song việc này không được thực hiện thường xuyên, không giám sát chặt chẽ, không xử lý, nên khi tổ chức bán vốn dồn đống lại, vì thế dù có bán vốn theo hình thức đấu giá công khai hay chào bán cạnh tranh cũng không có nhiều nhà đầu tư mặn mà.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính |
Nguyên nhân nữa là có không ít trường hợp bán vốn nhưng bản cáo bạch không công bố đầy đủ, công khai, minh bạch về tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính, nguồn gốc tài sản, ví dụ như không công bố cho nhà đầu tư biết diện tích đất mà doanh nghiệp đang sử dụng là đất được giao, đất đi thuê, đất chuyển nhượng hợp pháp, đất chưa có đầy đủ hồ sơ hợp pháp, đất đang có tranh chấp… nên không thoái được vốn.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành cũng không nói rõ, nếu bán vốn bằng hình thức đấu giá công khai không được, chào bán cạnh tranh không xong, bán thỏa thuận không tìm được khách hàng, thì phải xử lý thế nào.
Để tháo gỡ vướng mắc trong việc bán vốn, Bộ Tài chính đang dự thảo để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP, trong đó có việc được bán vốn dưới giá trị. Ông có cho rằng, điều này sẽ dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước?
Bán vốn nhà nước dưới giá trị đầu tư, hay bán cổ phần dưới mệnh giá đúng là vấn đề khá nhạy cảm. Rất nhiều doanh nghiệp còn e ngại khi quyết định bán vốn dưới giá trị đầu tư. Ví dụ, khoản vốn đầu tư 100 tỷ đồng chỉ bán được 60 tỷ đồng thì sẽ dễ bị nghi ngờ là có hành vi cố ý làm trái, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Để xử lý vấn đề này, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP yêu cầu phải công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động, tình hình tài chính, tài sản của doanh nghiệp; minh bạch, công khai trong quá trình bán vốn để tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”; hạn chế và tiến tới chấm dứt bán thỏa thuận - là phương thức dễ dẫn đến tiêu cực, làm thất thoát vốn nhà nước. Ngoài ra, quy định rõ việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn. Theo đó, doanh nghiệp được lựa chọn thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn đầu tư ra ngoài, bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, đất thuê trả tiền một lần, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có).
Tiêu cực, thất thoát chỉ xảy ra khi không công khai, minh bạch, còn một khi đã công khai, minh bạch, thực hiện đầy đủ nguyên tắc bán vốn kể trên, thì thị trường chấp nhận giá nào bán giá đó.
Có nghĩa là, khoản đầu tư 100 tỷ đồng, chỉ bán được 60 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư bán lại được 120 tỷ đồng thì lãnh đạo doanh nghiệp đứng ra bán vốn không bị truy cứu trách nhiệm?
Quan điểm nhất quán đã được Đảng và Nhà nước khẳng định là, Nhà nước chỉ đầu tư vốn tại một số ít lĩnh vực, còn lại để các thành phần kinh tế khác làm. Với những lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư nhưng đang còn vốn thì phải bán, khoản vốn đầu tư 100 tỷ đồng không hiệu quả, càng để càng “cụt vốn” thì phải bán. Thu về được một khoản tiền còn hơn là càng để lâu càng mất giá.
Nếu khoản vốn 100 tỷ đồng, bán được 60 tỷ đồng, sau khi hoàn tất quá trình chuyển nhượng vốn, nhà đầu tư có toàn quyền định đoạt và bằng nhiều cách khác nhau như tái cơ cấu hoạt động, bộ máy tổ chức, tình hình tài chính, tìm được người mua tốt hơn, hay do thị trường phục hồi mà họ bán được 120 tỷ đồng, thậm chí cao hơn nữa, thì lãnh đạo doanh nghiệp bán vốn dưới giá trị đầu tư không phải chịu trách nhiệm, khi họ đã thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục bán vốn và việc bán vốn công khai, minh bạch.
Một trong những điểm mới đáng kể nữa trong việc bán vốn là bán cả lô. Thưa ông, liệu có đặt điều kiện đối với nhà đầu tư mua cả lô như cổ đông chiến lược?
Tham gia đấu giá theo lô tức là nhà đầu tư phải mua toàn bộ số lượng vốn nhà nước, có thể họ sẽ trở thành cổ đông nắm cổ phần chi phối, nhưng họ không phải là cổ đông chiến lược. Vì với doanh nghiệp mà Nhà nước thoái hết vốn thì cần gì cổ đông chiến lược, ai có tiền, trả giá cao thì bán, nên không ràng buộc nhà đầu tư mua cả lô phải có những cam kết hay đưa ra điều kiện như nhà đầu tư chiến lược về vốn, thị trường, kinh nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp…
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có thể bổ sung quy định, nhà đầu tư mua cả lô vốn nhà nước, sau khi tiếp nhận doanh nghiệp không được sa thải người lao động trong vòng 12 tháng.
Lý do đưa ra điều kiện này vì trong trường hợp người lao động mới ký hợp đồng lao động, theo các quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp liên tục 12 tháng, khi bị mất việc mới được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tìm việc làm mới hoặc được hỗ trợ đào tạo lại nghề.