Thời sự
Chờ sắp xếp bộ máy, kéo dài thời gian thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Nguyễn Lê - 25/12/2024 08:38
Đây là giải pháp tình thế để đảm bảo vận hành công tác quản lý bảo hiểm xã hội trong điều kiện chưa kịp có Nghị quyết mới, đang thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phiên họp chiều 24/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, chiều 24/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời điểm thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn 2022 - 2024.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết trên cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN giai đoạn 2025 2027 với mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2025 là 1,44% (bằng mức chi phí quản lý năm 2024 là 1,49% trừ đi mức giảm bình quân hằng năm của giai đoạn 2022-2024 là 0,05%/năm).

Cụ thể là mức chi phí quản lý BHXH năm 2025 tối đa 1,44% dự toán thu, chi BHXH (trừ số chỉ đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng BHXH) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHΧΗ. Mức chi chi phí quản lý BHTN năm 2025 tối đa 1,44% dự toán thu, chi BHTN (trừ số chỉ đóng BHYT cho người hưởng BHTN) được trích từ quỹ ΒΗΤΝ. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết nói trên và quy định của pháp luật có liên quan.

Sau khi có kết quả thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2025-2027 (bao gồm năm 2025) đảm bảo phù hợp với thực tế.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Luật BHYT quyết định mức chi phí quản lý BHYT theo tỷ lệ % trên dự toán thu BHYT theo quy định của Luật BHYT và giao dự toán năm 2025 chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí việc kéo dài Nghị quyết số 09 để bảo đảm việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của Luật BHXH, Luật Việc Làm, Luật BHYT được thực hiện liên tục, thường xuyên không bị gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng, không làm ảnh hưởng đến các công tác, nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách.

Trong tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị thay thời hạn “sau khi có kết quả thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam” bằng thời hạn “trước ngày 30/6/2025, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết cho phép kéo dài thời điểm thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 – 2024 với mức chi phí quản lý được trích tối đa tạm thời là 1,44% dự toán thu, chi BHXH, BHTN, thời gian kéo dài đến hết 30/6/2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, đây là giải pháp tình thế để đảm bảo vận hành công tác quản lý BHXH trong điều kiện chưa kịp có Nghị quyết mới, đang thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện báo cáo đánh giá và sớm có Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chi phí tổ chức, hoạt động của BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2025-2027 với mục tiêu phấn đấu có Nghị quyết mới trước khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực pháp luật (ngày 1/7/2025).

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nội dung này.

Tin liên quan
Tin khác