Chờ “đèn xanh”
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền của Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ký Báo cáo Bộ Chính trị về tình hình hoạt động và tái cơ cấu tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư |
Đây là một trong những nội dung quan trọng “sống còn” mà Bộ GTVT - đơn vị khai sinh ra VEC vào năm 2004 sẽ phải theo đuổi, dù tổng công ty 100% vốn nhà nước này đã chính thức về “mái nhà” Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước từ tháng 10/2018.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8035/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đồng ý nội dung Dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về tình hình hoạt động và tái cơ cấu tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC đầu tư (Tờ trình số 8496/BGTVT-QLDN ngày 2/8/2018 của Bộ GTVT) và giao bộ này rà soát, cập nhật, chịu trách nhiệm về số liệu.
“Đây đều là những vấn đề quyết định đến sự tồn tại và phát triển của VEC trong vai trò là đơn vị dẫn dắt các thành phần kinh tế tư nhân thực hiện chiến lược phát triển hệ thống đường cao tốc quốc gia trong thời gian tới”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Cụ thể, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đề nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương cho phép VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC với các số liệu chính yếu đã được cập nhật, phù hợp với thực tế triển khai 5 dự án đường cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tổng giá trị dự kiến đầu tư cập nhật lại của 5 dự án so với Quyết định số 2072/QĐ-TTg là 117.719 tỷ đồng, thay cho 125.572 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp là 54.425 tỷ đồng, chiếm 46,2%, thay cho 71.603 tỷ đồng, chiếm 57%; vốn VEC huy động là 63.294 tỷ đồng, chiếm 53,8%, thay cho 53.969 tỷ đồng, chiếm 43%.
Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Chính trị cho phép chuyển toàn bộ số vốn 34.757 tỷ đồng vay ODA từ vay lại sang cấp phát trực tiếp cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư; đồng thời chuyển 5.334 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ sang cấp phát trực tiếp cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư.
Trong trường hợp Bộ Chính trị chấp thuận 3 nội dung này, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT kiến nghị Bộ Chính trị giao Chính phủ báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương Nhà nước đầu tư vào các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg, bao gồm việc chuyển đổi vốn vay nước ngoài từ cho vay lại sang cấp phát ngân sách nhà nước (bao gồm số vốn đã giải ngân từ ngày 8/11/2013 đến hết năm 2015 và số vốn đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020) và ngân sách nhà nước trả nợ gốc, lãi trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
Một nút thắt lớn khác cũng cần nhận được sự chấp thuận của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội là việc cho phép bổ sung các khoản vốn theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 và dự kiến sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn để quyết toán ngân sách nhà nước.
“Đề nghị Bộ Chính trị xem xét giao Chính phủ rà soát số liệu cụ thể, xác định số vốn đầu tư đã phân bổ và giải ngân các năm và bố trí dự toán chi đầu tư phát triển cho Bộ GTVT để quyết toán các dự án do VEC làm chủ đầu tư theo quy định và chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng phương án tái cơ cấu mô hình tổ chức và hoạt động của VEC phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quốc hội”, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất.
Rào cản lớn
Quyết định số 2072 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từng được các chuyên gia đánh giá là “lối mở lớn cho đầu tàu phát triển đường cao tốc”.
Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển toàn bộ số vốn ODA tại 5 dự án đang được thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; số vốn 2.500 tỷ đồng đã được ngân sách nhà nước ứng cho 2 dự án: Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai được chuyển thành vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho dự án; số vốn 4.399,7 tỷ đồng trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh đã phát hành cho Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai cùng các khoản lãi phát sinh cũng được Nhà nước tiếp nhận và chuyển thành vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp.
Đối với các khoản vốn vay thương mại từ các định chế tài chính tại 5 dự án vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế vay lại theo quy định hiện hành. Có nghĩa là, VEC sẽ thực hiện thu phí các dự án để trả nợ phần vốn vay thương mại này.
Bên cạnh đó, cùng với việc đề xuất điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 1.000 tỷ đồng, lên 72.602 tỷ đồng vào năm 2019, VEC cũng đã xây dựng và được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính với điểm nhấn là cơ chế hòa chung dòng tiền của 5 dự án để hỗ trợ cho nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời.
Đây là cơ chế được đánh giá là giúp VEC vừa chủ động được tài chính, vừa xác lập hoạt động của đơn vị này được vận hành theo đúng tính chất của một doanh nghiệp. Về bản chất, VEC là tổng công ty nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư hệ thống đường cao tốc quốc gia, nên việc Nhà nước tham gia góp vốn trực tiếp, dù với khối lượng rất lớn, nhưng không làm thay đổi tính chất của các dự án cũng như tỷ lệ nợ công.
“Sau 4 năm triển khai Quyết định số 2072/QĐ-TTg, VEC từ mất cân đối tài chính đã chuyển sang ổn định, đảm bảo trả các khoản vay đúng hạn; doanh thu từ hoạt động đầu tư tăng trung bình 20%/năm. Đặc biệt, Nhà nước đã không còn phải hỗ trợ VEC 30.787 tỷ đồng do thiếu hụt dòng tiền để trả nợ cho Dự án Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi”, TS. Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC cho biết.
Được biết, việc ban hành Quyết định số 2072/QĐ-TTg đã được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, vận dụng mô hình các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu không có Quyết định số 2072/QĐ-TTg thì doanh thu các dự án không đủ để trả nợ. Khi đó, Nhà nước sẽ phải trả nợ thay toàn bộ thiếu hụt, VEC sẽ rơi vào tình trạng phá sản, các nhà tài trợ sẽ rút vốn vay, Nhà nước và VEC đều mất uy tín.
Tuy nhiên, để VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg, đơn vị này vẫn còn phải vượt qua 2 vướng mắc cơ chế rất lớn khác là Nghị quyết số 07-NQ/TƯ ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước quản lý nợ công và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có quy định: “Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”.
Mặc dù Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội không ghi điều khoản hồi tố, song thực tế việc quyết toán phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án của VEC rất khó khăn, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính không thể đưa vào dự toán ngân sách nhà nước các năm. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn pháp lý và cơ chế hoạt động của VEC khi thực hiện các dự án đang triển khai và đầu tư các dự án mới; kế hoạch trả nợ vốn vay đã được phê duyệt.
Mặt khác, tại mục 3, Điều 5 - Thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 cũng quy định: “Đối với nguồn vốn nước ngoài, bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân theo số vốn ngân sách trung ương đã ký kết hiệp định của từng dự án trong giai đoạn 2016 - 2020”.
Tại thời điểm này, 4 dự án sử dụng vốn ODA của VEC (trừ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) đã hoàn thành thủ tục ký kết hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ từ trước đó và đều là các dự án trọng điểm quốc gia, có tính kết nối, lan tỏa. Do vậy, việc bố trí dự toán ngân sách nhà nước các năm cho các dự án ODA của VEC đối với phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án phải thực hiện theo Nghị quyết số 26/2016/QH14. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Tài chính, thì VEC chỉ được ghi vốn điều lệ sau khi các khoản đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ODA được Quốc hội phê duyệt quyết toán. Thực tế từ năm 2016 trở về trước, các khoản chi của VEC đều chưa được các bộ, ngành trình Quốc hội phê duyệt dự toán, làm cho việc quyết toán gặp khó khăn. Ngoài ra, phần vốn đối ứng cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt dự toán, nhưng chưa được quyết toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nên VEC cũng chưa được ghi tăng vốn điều lệ phần vốn này.
Như vậy, việc tái cơ cấu đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư cần phải báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
“Chỉ khi Bộ Chính trị thông qua chủ trương này, VEC mới có thể khẳng định được sự tồn tại, trước khi có thể tính đến việc tiếp tục huy động vốn để đầu tư vào các dự án đường cao tốc khác”, một chuyên gia nhận định.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp nhà nước vẫn là đầu tàu
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước đứng ra huy động vốn đầu tư đường cao tốc với phương thức: Chính phủ cấp một số vốn ban đầu, doanh nghiệp huy động từ các nhà tài trợ hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (trong nước và quốc tế), sau đó thu phí hoàn vốn; việc thu phí thực hiện liên tục, không thời hạn đối với các tuyến cao tốc (sau khi hoàn vốn vẫn tiếp tục được thu phí) để trả nợ và tái đầu tư các dự án cao tốc khác theo quy hoạch. Khuôn khổ pháp lý hoạt động của doanh nghiệp được hoàn chỉnh từng bước theo thời gian, bao gồm Luật Đường bộ, Luật Đường bộ cao tốc, Luật Thu phí đường bộ, luật riêng cho doanh nghiệp, Luật Quản lý các tổ chức công cộng.
Đến nay, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các tổng công ty JHPC và KEC là 2 doanh nghiệp nhà nước nòng cốt đã đầu tư phát triển được hơn 90% tổng chiều dài đường cao tốc của 2 nước này (JHPC đầu tư được 8.286 km/8.976 km, chiếm 92,3%; KEC đầu tư được 3.817 km/4.139 km, chiếm 92,2%).