Chuyển động thị trường
Cho vay nhà ở xã hội: Nóng vội dễ xảy ra sai sót, sai đối tượng
Thúy Hà - 02/10/2018 15:11
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai được hơn 5 tháng và đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là cán bộ công nhân viên, lực lượng sỹ quan trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội để hiểu hơn về tiến độ giải ngân và những vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình này.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội đã được triển khai từ tháng 4/2018, vậy ông có thể cho biết tiến độ giải ngân của chương trình này đến đâu?

Trước đây Chính phủ đã quan tâm nhà ở xã hội là nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho đồng bào vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long và nhà ở cho các hộ nghèo miền Trung chống bão lũ, thiên tai; nhà ở cho đối tượng chính sách. Đặc biệt khi có Luật Xây dựng, Luật Nhà ở thì Chính phủ xây dựng Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội với đối tượng chủ yếu là cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, người nghèo ở khu vực đô thị mà có thu nhập chưa bị chịu thuế thu nhập…

Chính phủ cũng quy định, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị định này trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Hiện Chính phủ đã bố trí vốn đến năm 2020 là 2.316 tỷ đồng, riêng năm 2018, Chính phủ bố trí 1.000 tỷ đồng. Tính đến 30/9, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai sâu rộng tới tận các thị xã, thành phố trên toàn quốc và có 50 tỉnh, thành có dư nợ với khoảng 200 tỷ đồng và đã có 700 người được thụ hưởng nguồn vốn này. Dự kiến trong năm nay, Ngân hàng Chính sách sẽ giải ngân 1.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Quảng Nam là tỉnh giải ngân nhanh nhất với dư nợ 31 tỷ đồng, tiếp đến là Đà Nẵng 21 tỷ đồng, Bắc Ninh 15 tỷ đồng, Hưng Yên 9 tỷ đồng, Quảng Bình (8,5 tỷ đồng), Thừa Thiên Huế (7,2 tỷ đồng), Quảng Trị (7,2 tỷ đồng), Thanh Hoá (7 tỷ đồng)...

Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến nay giải ngân vẫn ít là do một số dự án chủ đầu tư đã thế chấp vay vốn ở các ngân hàng khác chính vì vậy nên không thể giải ngân cho đối tượng vay vốn tại các dự án này. Bên cạnh đó ở hai thành phố này cũng đều có những chương trình riêng khác về nhà ở xã hội. Ngoài ra, người dân ở hai thành phố này cũng còn đang cân nhắc vay kiểu gì, vay như thế nào.

Tuy nhiên, riêng về Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới đây sẽ giải ngân một loạt. Còn một số địa phương khác cũng đang trong quá trình rà soát hồ sơ.

Vậy trong quá trình triển khai, Ngân hàng có gặp những vướng mắc gì không?

Thực tế vướng mắc lớn khi giải ngân vốn cho chương trình này còn rất nhiều. Chẳng hạn, căn hộ nhà ở xã hội đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ đấy. Và vấn đề này cần rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đó là, một số hộ tại vùng nông thôn có nhu cầu vay để xây, cải tạo nhà ở nhưng giấy tờ đất không đủ điều kiện vay (chưa chuyển đổi sang đất thổ cư), một số hộ cha mẹ cho con đất để cất nhà nhưng không chuyển quyền sở hữu...

Một số hộ vay thuộc địa bàn nông thôn khi xây dựng không có thiết kế, dự toán được phê duyệt nên thiếu căn cứ để phê duyệt mức đầu tư. Theo quy định cho vay vốn nhà ở xã hội, đối với xây, cải tạo nhà ở để ở, địa chỉ hộ khẩu thường trú đồng thời là địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hiện nay có tình trạng địa chỉ hộ khẩu thường trú của người có nhu cầu vay không đồng thời là địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, nhiều hồ sơ vay vốn về xây dựng trên mảnh đất không nằm trong quy hoạch hoặc chưa được phê duyệt... Như vậy sẽ khó để được vay.

Có những vướng mắc ngân hàng đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ nhưng có những vướng mắc người đi vay phải tự khắc phục. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được lá đơn nào phản ánh về vấn đề cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 này tại các địa phương.

Ngoài ra, hiện nay có tâm lý đây là chương trình tín dụng dài hơi nên đối tượng vay vốn không vội vay. Nhiều người đang cân nhắc nên vay năm nay hay năm sau, mua chỗ nào để phù hợp với hoàn cảnh.

Đến giờ phút này chúng tôi chưa nhận được trường hợp nào đủ điều kiện vay mà chưa được vay.

Theo kế hoạch năm 2018 chương trình sẽ giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi đó chỉ còn vài tháng nữa là hết năm, vậy con số 200 tỷ đồng đã được giải ngân đến thời điểm này liệu có quá thấp và tiến độ giải ngân như vậy có chậm không?

Theo tôi tiến độ giải ngân như trên là phù hợp, căn bản sẽ giải ngân xong theo kế hoạch. Chúng tôi rất muốn đẩy vốn nhanh nhưng phải cân nhắc trên nhiều mặt. Cho vay nhanh dễ xảy ra sai sót, dễ sai đối tượng.

Là một chương trình cho vay ưu đãi mang tính chất an sinh xã hội, cho vay nhà ở xã hội là chính sách dài hơi của Nhà nước, nên bên cạnh việc cho vay các hồ sơ đủ điều kiện, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhất là ở các khu công nghiệp nơi có nhiều công nhân để tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Chúng tôi cũng chỉ đạo các chi nhánh phải quan hệ chặt chẽ với các Liên đoàn Lao động tỉnh để nắm bắt nhu cầu của người lao động, từ đó chuẩn bị nhân vật lực đáp ứng kịp thời.

Hiện có nhiều người lo ngại trong quá trình giải ngân mà nguồn tiền không còn, liệu chuyện này có xảy ra không?

Chúng tôi xin khẳng định, hoàn toàn không có chuyện đó mà đây là chương trình tín dụng triển khai dài hạn, năm này gối đầu sang năm khác. Hiện nay nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội rất mạnh, cách đây 10 năm giải ngân vốn cho học sinh, sinh viên lúc đầu cũng có khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể thuần thục và có kinh nghiệm nên giải ngân kịp thời theo đúng tiến độ.

Những đối tượng vay vốn thuộc quy định của Chính phủ chắc chắn sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Nếu những hồ sơ có bị chậm chủ yếu là do còn thiếu giấy tờ hoặc hồ sơ không đúng đối tượng. Còn khi ngân hàng đã chính thức tiếp nhận hồ sơ đặt bút ký thì Ngân hàng Chính sách Xã hội phải có trách nhiệm trong điều hành kế hoạch vốn để giải ngân theo hợp đồng đó. Còn điều hành kế hoạch vốn cho phù hợp là việc của ngân hàng, người vay vốn sẽ không gặp vấn đề gì trong quá trình giải ngân.

Ông có xác định nhu cầu 3-5 tới của người dân như thế nào, có những giải pháp gì từ phía ngân hàng cũng như đề xuất với Chính phủ để có thể đảm bảo nguồn vốn cung ứng đủ cho khách hàng bởi vì chương trình này sẽ rất dài?

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2021, cả nước cần khoảng 18.000 tỷ để đáp ứng nhu cầu cho vay nhà ở xã hội. Ngân sách nhà nước cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội giai đoạn 2016-2020 hơn 1.163 tỷ đồng, đồng thời Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động thêm mức vốn tương ứng tạo tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội là trên 2.316 tỷ đồng. Riêng năm 2018, nguồn vốn nhà nước cấp và huy động đối ứng của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho chương trình cho vay nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng được biết, mới đây Bộ Xây dựng đã trình Quốc hội, Chính phủ xin thêm 3.000 tỷ đồng vốn cho chương trình nhà ở xã hội và chúng tôi cũng mong Thường vụ Quốc hội sẽ sớm trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan
Tin khác