Dự thảo lần hai Thông tư về cho vay tiêu dùng đối với công ty tài chính quy định, công ty tài chính được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để khách hàng thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Cũng theo Dự thảo, tổng số tiền cho vay tiêu dùng (bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay) được giải ngân theo quy định tại khoản này đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Không chỉ hình thức mua hàng trả góp qua công ty tài chính, việc vay tiền mặt từ công ty tài chính cũng ngày càng trở nên quen thuộc với người dân |
TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, Chính phủ có định hướng hạn chế sử dụng tiền mặt, vì vậy, dự thảo mới đưa ra quy định trên là phù hợp. Tuy nhiên, không nên hạn chế mức trần cho vay qua hình thức chuyển khoản (hình thức cho vay mà công ty tài chính và ngân hàng thường áp dụng).
Theo bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Vietnam, trên thực tế, không công ty tài chính nào đưa thẳng tiền mặt cho khách hàng khi giải ngân. Nhu cầu vay tiền cho mục đích tiêu dùng tại Home Credit Việt Nam phổ biến là từ 30 đến 50 triệu đồng, vì vậy, quy định mức hạn chế cho vay tiền mặt tiêu dùng dưới 10 triệu đồng là rất thấp.
Bà Tiên lý giải, việc giới hạn phương tiện giải ngân và số tiền cho vay ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng thực tế của khách hàng. Công ty tài chính chỉ hợp tác với một số lượng đối tác nhất định, nên quy định trên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu thực tế của khách hàng, lẫn doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ, nhà sản xuất, hạn chế tiêu dùng, cũng như nhu cầu vay vốn của người dân.
Đồng quan điểm, bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và Tuân thủ Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho rằng, mức dưới 10 triệu đồng cho vay tiền mặt tiêu dùng là quá thấp, không phù hợp mức giá chung của thị trường hiện nay. Chẳng hạn, một chiếc xe Honda Wave Anpha hiện có mức giá thấp nhất cũng đã là 17 triệu đồng. Nếu chỉ hạn chế cho vay tiền mặt 10 triệu đồng thì khách hàng sẽ không có điều kiện tiếp cận vốn để mua.
Được biết, FE Credit đang có chương trình “tiền mặt nhanh”, cho phép khách hàng có thể giải ngân tiền mặt trong hạn mức thẻ tín dụng thông qua kênh chi hộ tại hơn 2.000 chi nhánh bưu cục trên toàn quốc. Hạn mức thẻ lên đến 60 triệu đồng; phí rút tiền mặt 1%; miễn phí lãi suất lên đến 45 ngày. Theo ông Nimish Vinaykant Dwivedi, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sản phẩm thẻ tín dụng của FE Credit, nếu quy định trên được áp dụng, thì hạn mức cho vay tiền (cả qua thẻ tín dụng) cũng sẽ bị hạn chế.
Có thể nói, với sự xuất hiện của nhiều loại hình định chế tài chính mới mà công ty tài chính là một ví dụ, người dân Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều sản phẩm tài chính hiện đại, cụ thể là vay trả góp phục vụ mục đích tiêu dùng. Tuy nhiên, không chỉ hình thức mua hàng trả góp qua công ty tài chính được người tiêu dùng ưa chuộng, mà vay tiền mặt từ công ty tài chính cũng ngày càng trở nên quen thuộc với người dân. Home Credit cho biết, hơn 20% khách hàng có từ 2 hợp đồng vay tiền mặt trở lên tại Công ty. Độ tuổi trung bình khách vay tiền mặt lần đầu là 32,5 tuổi.