Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Dự án Luật trình xin ý kiến Quốc hội lần này gồm 7 chương, 41 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Dự thảo Luật đã thể chế hóa hai nhóm chính sách lớn là thay hình thức quản lý cư trú thông qua Sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và chính sách quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Nội dung tiếp theo, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đọc Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đọc Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về nội dung này.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận.
Chiều 23/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và thảo luận trực tuyến về nội dung này.
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở; thống nhất quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng với pháp luật về quy hoạch... bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, biểu quyết tại kỳ này gồm 5 điều, sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.