Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ định hình tương lai phát triển của Đà Nẵng. Ảnh: Đặng Minh Tú |
Chiến lược phát triển mới
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đồ án), được liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty Tư vấn Surbana Jurong (Singapore) thực hiện. Trong đó, hợp phần tư vấn thiết kế chiến lược kinh tế - xã hội là trụ cột xây dựng quy hoạch chung.
Theo dự thảo thiết kế Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì Đà Nẵng được định vị đến năm 2030 trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; một cổng vào của Hành lang kinh tế Đông - Tây; thuộc mạng lưới thành phố thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm vận chuyển miền Trung Việt Nam; trung tâm dịch vụ, hành chính và văn hóa của miền Trung Việt Nam; trung tâm dịch vụ du lịch biển ASEAN và trung tâm kinh tế biển; ngôi nhà mơ ước của tất cả công dân Việt Nam.
Kinh tế Đà Nẵng cũng được định vị tích hợp vào mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu và là một trung tâm phong cách sống quan trọng tại Việt Nam. Về tầm nhìn phát triển, TP. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững với những mục tiêu xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
Về tính chất đô thị, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia…
Trên cơ sở định vị, tầm nhìn và mục tiêu phát triển, dự báo kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, GRDP (giá so sánh năm 2010) cần đạt mức tăng trưởng bình quân 10 - 10,5%/năm (một vài năm tăng trưởng đột phá trên 12%/năm). Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP khoảng 30 - 32%. Tỷ lệ vốn đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)/tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 80%. Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người. Năm 2030, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 8.500 USD. Tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của TP. Đà Nẵng bằng khoảng 2 - 3% tổng GDP cả nước.
Đà Nẵng được định hướng xây dựng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung, trong đó, Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế. Thành phố hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi giữa hệ thống cao tốc, quốc lộ với đường vành đai, trục giao thông chính của Thành phố đến cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Khu vực công nghiệp - xây dựng chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và khu vực dịch vụ. Dự báo nhu cầu sử dụng đất đai đến năm 2030 là: đất xây dựng đô thị khoảng 32.227 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 15.183 ha.
Phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu khoa học hàng đầu của khu vực miền Trung và cả nước; xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong 4 trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước với sự phát triển cả về chuyên môn và cơ sở vật chất, tiếp cận trình độ quốc tế; chú trọng khai thác tiềm năng phát triển du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe...
Nhiều đột phá
Đồ án có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố này, bởi nó sẽ là bộ khung định hình tương lai phát triển của Đà Nẵng. Nhiều năm qua, TP. Đà Nẵng đã triển khai lập các đồ án Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết, Chương trình Phát triển đô thị để cụ thể hóa các định hướng chiến lược của quy hoạch chung.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai quy hoạch, đến thời điểm hiện tại, đã phát sinh những vấn đề mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị. Sự ra đời của Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Quyết định 393/QĐ-TTg Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã ảnh hưởng đến định hướng Quy hoạch chung đã được phê duyệt. Vì vậy, để giải quyết các vấn đề đó, UBND TP. Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng. Mục tiêu của Đồ án là “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”, khắc phục các tồn tại của quá trình phát triển đô thị.
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, vì tính chất quan trọng của Đồ án, nên Thành phố triển khai thực hiện một cách cẩn trọng. Thành phố đã tổ chức 3 cuộc hội thảo quốc tế để tiếp nhận nhiều ý kiến tâm huyết và có giá trị từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, đồng thời tổ chức lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư.
“Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện nghiêm túc, bài bản, toàn diện, công phu và trách nhiệm; chất lượng Đồ án khá toàn diện, sâu sắc, đáng tin cậy và có sơ sở khoa học. Đồ án đã bám sát nhiệm vụ, lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế; Đồ án có nhiều ý tưởng mới về không gian đô thị gồm 3 vùng đô thị là vùng mặt nước, vùng lõi xanh kinh tế và vùng sườn đồi phía Tây, với cách tiếp cận đột phá”, ông Hồ Kỳ Minh cho biết.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng điều chỉnh trên nguyên tắc nâng cao chất lượng sống người dân, kết cấu hạ tầng và cảnh quan đô thị; đảm bảo tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Theo đó, đối với các dự án lớn, Thành phố sẽ xin ý kiến chỉ đạo các cấp có thẩm quyền; các dự án nhỏ khác bị ảnh hưởng bởi quy hoạch chung nếu đang ở giai đoạn quy hoạch phân khu, Thành phố sẽ đàm phán với nhà đầu tư cụ thể hoặc xem xét hoán đổi vào các khu đất gần nhất mà Thành phố đang quản lý, như đất thương mại dịch vụ, đất gộp lô. Việc hoán đổi phải đảm bảo không làm thay đổi chỉ tiêu, quy mô, định hướng phát triển chung tại khu vực dự kiến điều chỉnh…
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng nhận định, Đồ án đang thực hiện có nhiều ý tưởng đột phá, như đề xuất ý tưởng tổ chức không gian với 3 vùng đô thị: vùng mặt nước, vùng lõi xanh kinh tế và vùng sườn đồi phía Tây. Đặc biệt, ý tưởng thiết lập 2 vành đai kinh tế với khu vực phía Bắc có 2 cụm kinh tế: công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - dịch vụ logistics; phía Nam có cụm kinh tế nông nghiệp công nghệ cao và khu kinh tế đổi mới sáng tạo, trong đó, nòng cốt là Khu đô thị Làng đại học Đà Nẵng và Khu đô thị FPT. Ban Đô thị HĐND Thành phố đánh giá cao mô hình đô thị đa trung tâm. Mặc khác, Đồ án cũng xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội với mục tiêu nâng cao hơn tiêu chuẩn quốc gia cũng như các chỉ tiêu, tiêu chuẩn đang thực hiện. Tuy nhiên, Đồ án vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân, trước khi trình HĐND thông qua.
Sản phẩm hoàn thiện của Đồ án sẽ bao gồm 5 nội dung: thiết kế chiến lược, thuyết minh chi tiết; hồ sơ bản vẽ; quy định quản lý; dự thảo Nghị quyết. Dự kiến, đồ án chiến lược quan trọng này sẽ được HĐND TP. Đà Nẵng xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 14 vào cuối tháng 5/2020. Sau đó, Đồ án tiếp tục được hoàn chỉnh để lấy ý kiến bộ, ngành Trung ương, báo cáo Hội đồng Thẩm định quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ.
Việc thông qua Đồ án sẽ có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng, định hình tương lai phát triển của thành phố biển này.
Tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 10 - 10,5%/năm (một vài năm tăng trưởng đột phá trên 12%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt trên 10,5%/năm).
Đất dân dụng khoảng 97,3 m2/người; đất đơn vị ở khoảng 44,6 m2/người; đất công cộng đô thị khoảng 5,2 m2/người; đất trường trung học phổ thông khoảng 0,7 m2/người; đất cây xanh đô thị khoảng 9,6 m2/người; đất trung tâm y tế khoảng 0,8 m2/người; đất trung tâm thể dục - thể thao khoảng 4,6 m2/người.
Tỷ lệ đất giao thông đô thị 9%; chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt trong nội thị 2.400 kWh/người/năm; chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt 175 lít/người/ngày đêm; bảo đảm thu gom 100% nước thải, chất thải rắn đô thị...