Đầu tư
Choáng ngợp với đề xuất đầu tư dự án điện
Thanh Hương - 09/12/2021 08:09
Đã có 55 địa phương gửi đề xuất tới Bộ Công thương để bổ sung đầu tư các dự án điện mới vào Dự thảo Quy hoạch Điện VIII với tổng công suất hơn 440.000 MW.
Tổng công suất nguồn điện mới được 55 địa phương này đề nghị đầu tư trong giai đoạn tới lên tới con số hơn 440.000 MW.

Đua đầu tư nguồn điện

Sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tổng hợp các đề xuất bổ sung nguồn điện và lưới điện chưa được phê duyệt để Bộ Công thương tổng hợp, chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với các địa phương của Chính phủ, các địa phương đã hưởng ứng rất nhiệt tình.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, tới nay đã có 55 địa phương gửi đề xuất tới Bộ Công thương.

Đáng chú ý là, tổng công suất nguồn điện mới được 55 địa phương này đề nghị đầu tư trong giai đoạn tới lên tới con số hơn 440.000 MW.

Chẳng hạn, Ninh Thuận, địa phương đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo với điện mặt trời, điện gió 3 năm qua, đã đề nghị bổ sung vào Dự thảo Quy hoạch Điện VIII tổng công suất 42.595 MW nguồn điện mới.

Các nguồn điện được Ninh Thuận đề xuất gồm điện gió trên đất liền (1.887,85 MW); điện gió ven biển (4.380 MW), điện gió ngoài khơi (21.000 MW), chuyển nguồn quy hoạch điện hạt nhân 4.600 MW sang điện khí LNG; điện khí LNG (1.500 MW); thủy điện vừa và nhỏ (438 MW), thủy điện tích năng (3.600 MW); điện mặt trời (5.189,15 MW).

Trong khi đó, địa phương lân cận là Bình Thuận đề nghị bổ sung gần 30.000 MW nguồn điện mới. Trong số này, có 7 dự án điện gió ngoài khơi đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương với quy mô 17.600 MW.

Đó là Dự án Điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind (3.400 MW), Dự án Điện gió ngoài khơi AMI AC (1.800 MW), Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn (3.500 MW), Dự án Điện gió ngoài khơi Bình Thuận (5.000 MW), Dự án Điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam (900 MW), Dự án Điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch (2.000 MW) và Dự án Điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (1.000 MW).

Ở lĩnh vực điện khí LNG, Bình Thuận đề nghị Dự án Điện khí LNG mũi Kê Gà (3.200 MW).

Ở khu vực miền Bắc, nơi đã bắt đầu phải chịu tiết giảm điện trong năm 2021 do cung không đủ cầu và các nguồn mới xây dựng ít, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định… đều đưa ra đề nghị bổ sung nguồn điện mới ở quy mô lớn.

Trong đó, Hải Phòng muốn bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch Điện VIII. Trước đó, Hải Phòng đã đề xuất một số dự án điện khí LNG đều có quy mô từ 1.500 MW trở lên.

Còn tại Quảng Ninh, ngoài Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh giai đoạn I (1.500 MW) mới được khởi động ít ngày trước, tỉnh này cũng đề nghị được bổ sung quy hoạch và đầu tư luôn giai đoạn II cũng với công suất 1.500 MW.

Ngoài điện khí LNG, Quảng Ninh còn đề nghị bổ sung 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch.

Về phần mình, Thanh Hóa đề xuất bổ sung Trung tâm điện - khí LNG Nghi Sơn công suất 9.600 MW, Trung tâm Điện khí LNG Thanh Hóa công suất 9.600 MW vào Quy hoạch.

Đáng chú ý là, Thanh Hóa cũng liệt kê tiềm năng điện gió ngoài khơi lên tới 50.000 MW, nhưng dường như chưa có nhà đầu tư nào quan tâm, nên địa phương này đã không đề xuất bổ sung.

Tỉnh Thái Bình cũng đề xuất đưa 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi với tổng công suất 8.700 MW, cùng Dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW vào Quy hoạch Điện VIII.

Cân đối ra sao

Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tổng công suất nguồn điện của cả nước hiện là 75.746 MW. Tuy nhiên, con số này chưa kể một số nguồn điện đang đầu tư dở dang hoặc đã hoàn thành, nhưng chưa kịp hưởng giá điện gió và điện mặt trời theo quy định do hết hạn.

Nếu so với công suất tiêu thụ điện cao nhất (Pmax) trong năm 2021 mới đạt hơn 43.000 MW, thì đang có rất nhiều nguồn điện đã được đầu tư và hưởng giá ưu đãi, nhưng không phát được điện do nhu cầu dùng điện giảm.

Dựa trên phương án tăng trưởng GDP trong kịch bản trung bình là 6,8% giai đoạn 2021-2025; 6,4% giai đoạn 2026-2030 và giảm dần về 5,5% giai đoạn 2041-2045 (theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng), nhu cầu tiêu thụ điện cũng được tính toán cho các giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, ở phương án tăng trưởng cao, Pmax năm 2030 cũng mới là 93.343 MW và năm 2045 đạt 189.917 MW.

Lẽ dĩ nhiên, con số này kém xa so với đề nghị được tổng hợp từ 55 địa phương đã có văn bản lên tới 440.000 MW hiện nay.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia nhận xét, các đề xuất này đã gấp hơn 4 lần nhu cầu vào năm 2030. Như vậy, rất nhiều đề xuất sẽ không thể trở thành hiện thực.

Điều đáng nói là, với đề nghị bổ sung nguồn điện mới vừa được các địa phương gửi tới này, bộ phận soạn thảo Quy hoạch Điện VIII chắc chắn sẽ tốn thêm thời gian để rà soát và cân đối lại, trước khi hoàn tất để chính thức trình lại Dự thảo lần thứ ba.

Tin liên quan
Tin khác