Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. |
Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.
Tờ trình của Chính phủ về nội dung này nêu, về thời hạn lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, tại điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế phải được lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan. Thời hạn lưu giữ hàng hóa không quá 12 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan. Trường hợp có lý do chính đáng thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế gia hạn một lần không quá 12 tháng”.
Nhưng, dịch bệnh bùng phát đến nay đã gần 2 năm, do đó, số lượng lớn hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế đã hết thời hạn lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế.
Theo quy định, hết thời hạn tạm nhập, doanh nghiệp phải thực hiện xuất khẩu/chuyển tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, việc xuất khẩu, chuyển tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy đều khó khăn. Vì, doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế nhập khẩu hàng hóa theo phương thức mua đứt bán đoạn nên không thể thực hiện xuất trả cho đối tác nước ngoài. Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, các nước tiếp tục phong tỏa, do đó việc tìm đối tác để xuất khẩu rất khó khăn.
Hàng hóa nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế chủ yếu là thuốc lá, rượu và mỹ phẩm. Theo quy định hiện nay, thuốc lá không được chuyển tiêu thụ nội địa, mặt hàng rượu được chuyển tiêu thụ nội địa, nhưng chỉ có doanh nghiệp có giấy phép phân phối rượu mới được làm thủ tục nhập khẩu.
Trường hợp tiêu hủy hàng hóa thì gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo thống kê của Chính phủ, tính đến tháng 11/2021, tổng số tờ khai tạm nhập quá hạn: 2.383 tờ khai. Trị giá hàng hóa gửi kho quá thời hạn lưu giữ: 47.044.726,72 USD. Trong đó, Rượu: 13.957.690,26 USD; Thuốc lá: 9.511.000,59 USD; Mỹ phẩm 14.639.633,14 USD; hàng hóa khác là 8.936.402,73 USD.
Về thời hạn hạn lưu giữ hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan Khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng”.
Và theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, hết thời hạn lưu giữ tại Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hiện tái xuất hoặc nhập khẩu vào nội địa hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, việc tái xuất, nhập khẩu vào nội địa hoặc tiêu hủy đều khó khăn dẫn đến hàng hóa tồn đọng tại kho ngoại quan rất lớn.
Trị giá hàng hóa gửi kho ngoại quan quá thời hạn lưu giữ: 439.931.267,54 USD với số lượng: 2.894 tấn và 1.336.193 kiện/chai/cái. Tổng số tờ khai quá hạn: 2.804 tờ khai.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất cho phép hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan nhưng hết thời hạn lưu giữ theo quy định tại Điều 47, Điều 61 Luật Hải quan (bao gồm cả thời gian gia hạn) phát sinh trong thời gian Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020, được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc và được gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch.
Thẩm quyền gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.
Thẩm tra nội dung trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định thời gian gia hạn lưu giữ hàng hóa theo quy định của Nghị quyết cần tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Nhưng việc áp dụng cụ thể phải bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong điều kiện cần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế, kể cả trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Để bảo đảm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nội dung này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.