1.
Mới đây, tôi tới ăn tân gia nhà của cậu bạn hiện đang là tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu. Căn nhà nằm trong khu nhà phố liền kề của một khu đô thị lớn tại Quốc lộ 13, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Cậu bạn Tuấn Anh năm nay 37 tuổi, có vợ và một cậu con trai 4 tuổi. Cậu nổi tiếng là người thích chơi hàng hiệu, nên ngay khi vừa đặt chân đến nhà, chưa kịp mời khách chén trà, Tuấn Anh đã đưa tôi đi tham quan căn nhà 3 tầng của mình ngay.
Tuấn Anh cho biết, để làm nội thất căn nhà này, vợ chồng cậu phải mất 6 tháng để chọn lựa nội thất. Từng viên gạch lát nền, tới hệ thống đèn điện, rồi tủ và quan trọng nhất là phải thuê 1 công ty thiết kế riêng làm sao không được giống bất cứ căn nhà nào khác.
Phòng ăn của nhà cậu mang phong cách châu Âu, khu để giày dép cũng được thực hiện khá công phu với hệ thống tủ âm và tự động. Tầng 2 là khu quầy bar và phòng khách.
Cậu bạn chỉ cho tôi chiếc bàn màu xám, bên trong có hình cắt dáng mặt phẳng của một khúc gỗ và cho biết, mỗi mặt bàn này có giá 5.000 USD, đây là hóa thạch từ cây gỗ mà cậu đặt mua ở nước ngoài về.
Ngay cả cách bài trí phòng ngủ cũng là một điều hết sức lạ với tôi khi phòng tắm, phòng ngủ, phòng đồ hiệu, quầy uống rượu, tất cả đều nằm trong phòng ngủ của vợ chồng gia chủ.
Tuấn Anh cho biết, căn nhà mua năm 2018, nhưng phải mất cả năm 2019 mới có thể tương đối hoàn thiện nội thất.
Rót cho tôi ly rượu vang, Tuấn Anh cho biết, thực tế, căn nhà chưa hoàn thiện vì còn thiếu rất nhiều nội thất chưa xong, như hệ thống đèn trần chưa mua đủ, hay như quầy bar vẫn thiếu kệ đựng đá. Cậu còn tính mua loại gạch mới với hệ thống vân dạ quang để thay thế hệ thống gạch ở cầu thang bộ…
Chủ nhân ngôi nhà này cho biết, dân chơi nhà hiệu không đặt nặng vấn đề đất và nhà thô trị giá bao nhiêu tiền, cái họ quan tâm là nội thất căn nhà như thế nào. Đặc biệt, trong thiết kế không được trùng thiết kế giữa các tầng với nhau và quan trọng là không được giống những nhà khác, nhất là nội thất phải càng độc càng tốt.
Uống hết ly rượu vang, Tuấn Anh nói, chơi nhà hiệu hiện nay đang là mốt. Nếu để ý kỹ, có những dự án quỹ đất rất rộng, nhưng chủ đầu tư chỉ làm khoảng hơn 10 căn biệt thự. Mỗi căn có diện tích đất lên tới cả 1.000 m2, nhà chỉ xây khoảng 300 m2, giúp gia chủ tách biệt với thế giới bên ngoài. Tất nhiên, giá của mỗi căn nhà như trên không hề rẻ, thấp nhất cũng là 100 tỷ đồng/căn, dù chỉ là nhà thô. Để có thể vào ở, chủ nhân phải bỏ thêm vài chục tỷ đồng nữa để làm nội thất cho đúng với đẳng cấp của họ.
Câu chuyện mà Tuấn Anh kể không sai, bởi ngay tại dự án cậu mua, chủ đầu tư cũng chọn vị trí 3 mặt sông đẹp nhất để làm khoảng 9 căn biệt thự tách biệt, với giá 250 tỷ đồng/căn. Dù chưa chính thức bán, nhưng theo chủ tịch HĐQT công ty chủ đầu tư dự án này, sản phẩm đã được khách đặt chỗ mua hết.
Hay như một quảng cáo mới đây tại dự án ở khu cảng Ba Son cũ, giá mỗi mét vuông được chào bán tới 500 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ 1 tháng sau quảng cáo, đã xuất hiện một thông báo, hơn 100 căn nhà có giá 500 triệu đồng/m2 đó đã có chủ. Tháng 10/2019, trả lời với báo chí, chủ nhân của một căn nhà trên cho biết, đã chi thêm khoảng 50 tỷ đồng để làm nội thất, và bảo đảm rằng, căn nhà sẽ như một cung điện từ trong ra ngoài khi hoàn thành…
2.
Trở về sau bữa tiệc tân gia cậu bạn, tôi nhìn căn nhà chung cư cũ của mình cũng thấy không giống căn nhà nào ở khu này và cả thành phố này. Đèn nhà tôi ngoài treo trên tường, còn cần thêm giá đỡ để phòng vôi bục vữa và đèn đổ. Nhà chia tách thành 2 phòng ngủ bằng tấm tôn, khu bếp được “độ” thêm khu rửa chén trong nhà vệ sinh.
Khu tôi đang sống cũng được xếp vào dạng nổi tiếng nhất của TP.HCM, có điều là nổi tiếng về sự nhếch nhác, về dự án treo đã 20 năm và đang trong giai đoạn có thể sập bất cứ khi nào. Nơi tôi sống là khu chung cư cũ Thanh Đa, thuộc bán đảo Thanh Đa.
Đây là một trong gần 500 chung cư được xây dựng trước năm 1975 và đang trong giai đoạn chờ sập. Thiết kế căn nhà chỉ rộng hơn 50 m2 với 1 phòng ngủ, hàng ngày cứ nửa đêm là phải thức dậy canh lấy nước vào bồn chứa để ngày hôm sau có nước dùng, nếu hôm nào quên canh lấy nước, thì coi như nguyên ngày hôm sau không có nước dùng.
Có những hôm cả nhà đang ăn cơm, thằng con nhà tầng trên chạy nhảy mạnh quá làm mảng vữa trần nhà tôi rơi xuống… Nghĩ mà ngao ngán cảnh nhà.
Cách đây 10 năm, TP.HCM đã có kế hoạch mời gọi nhà đầu tư tới để di dời cư dân, xây lại khu chung cư này, cũng đã có những chủ đầu tư tới đăng ký và có nhà đầu tư đã trúng thầu. Khi đó, dân chúng tôi mừng lắm, chỉ mong rằng doanh nghiệp đã trúng thầu nhanh chóng tiến hành đền bù và xây dựng dự án mới. Thế nhưng, biệt vô âm tín tới 10 năm vẫn không thấy động tĩnh gì. Rồi UBND quận Bình Thạnh phát đi thông báo hủy kết quả đấu thầu 10 năm trước để kêu gọi doanh nghiệp khác vào cải tạo lại chung cư chúng tôi.
Nghĩ lại, cũng đâu chỉ khu chung cư nhà tôi đang phải sống cảnh “ổ chuột”, ngay giữa trung tâm quận 1 sầm uất tráng lệ cũng tồn tại một khu “ổ chuột” lớn, đó là khu Mả Lạng.
Khu vực này cũng đã được quy hoạch thành dự án trung tâm thương mại, chung cư hạng siêu sang, nhưng hàng chục năm nay dự án vẫn bị treo, khiến cuộc sống của người dân khốn đốn, sống trong cảnh chật chội, nhà cũ nát không được tu sửa.
Lý do chính dẫn tới tình trạng các dự án treo trên là do công tác giải tỏa, đền bù. Theo đó, mức đền bù mà doanh nghiệp đưa ra chỉ đủ để người dân thuê nhà trọ trong vài năm, chứ không nói gì tới chuyện mua được căn nhà mới. Trong khi đó, với vị trí đất vàng, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án siêu sang và thu về khoản lợi nhuận lớn.
Trong hơi men, tôi thấy rằng, hóa ra mình cũng thuộc loại chơi nhà hiệu, căn nhà của mình cũng “độc” chẳng giống nhà ai. Khu mình cũng nổi tiếng cả TP.HCM như khu nhà của cậu bạn Tuấn Anh, thậm chí, nó còn có tuổi thọ hơn cả tuổi tôi và cậu bạn. Nhưng sự “độc, lạ” này thì chắc chẳng ai muốn sở hữu...