- Soi thực lực của liên danh vừa xin đầu tư PPP cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
- Đề nghị cân nhắc tiếp tục đầu tư PPP cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu
- 17.837 tỷ đồng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Chuyển 2.592 ha đất làm cao tốc Bắc - Nam
- Đề xuất đầu tư công 17.837 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Phối cảnh Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu |
Ứng thầu non
“Đến ngày 19/5/2022, chúng tôi chưa nhận thêm bất cứ đề xuất của nhà đầu tư nào cho Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I”, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) thông tin.
Như vậy, Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 6 (CIENCO6) - Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons - Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt và Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings vẫn là liên danh nhà đầu tư duy nhất đệ đơn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I theo phương thức PPP.
Trong Văn bản số 03/C6-CTD-TV-TT/2022 gửi Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, liên danh CIENCO6 - Coteccons - Thuận Việt - Tân Thành cho biết, đã nghiên cứu kỹ tính khả thi của Dự án và sắp xếp chuẩn bị nguồn vốn để có thể tham gia thực hiện Dự án theo phương thức đầu tư PPP.
Để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Dự án không phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, liên danh cam kết sẽ thực hiện huy động nguồn vốn, trong đó vốn góp từ nguồn vốn chủ sở hữu của các thành viên trong liên danh 40% (khoảng 5.200 tỷ đồng), nguồn vốn huy động từ ngân hàng 30% (3.000 tỷ đồng); nguồn vốn huy động bằng hình thức trái phiếu dự án từ những đối tác tiềm năng 30% (3.000 tỷ đồng) và cam kết triển khai hoàn thành Dự án đúng tiến độ đưa vào khai thác trong năm 2025.
Ngoài việc chưa có bất cứ cam kết tài trợ vốn của tổ chức tín dụng nào, sự thiếu kinh nghiệm trong đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP là điều dễ nhận thấy trong liên danh nhà đầu tư này. Trong đó, CIENCO6 và Coteccons từng tham gia khá nhiều dự án hạ tầng giao thông, nhưng chỉ với tư cách là nhà thầu. Trong khi đó, 2 đơn vị còn lại là Thuận Việt và Tân Thành lại là những gương mặt mới chưa từng góp mặt tại bất kỳ công trình giao thông nào.
Cần phải nói thêm rằng, việc huy động vốn tín dụng đang là thách thức rất lớn đối với các dự án đường cao tốc được triển khai theo hình thức PPP, đặc biệt là với các đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm như liên danh CIENCO6 - Coteccons - Thuận Việt - Tân Thành.
Trước đó, trong quá trình triển khai Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, chỉ có 2/8 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP thu xếp được vốn tín dụng. Cả 2 dự án này đều rất chật vật để đàm phán với ngân hàng, dù từng nhận được cam kết chắc nịch từ các ngân hàng.
Một dự án gần như tương tự cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là Dự án thành phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Sau 5 năm chuyển đổi từ đầu tư công sang BOT, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hiện vẫn chưa thể ký được hợp đồng tín dụng để triển khai, dù nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả rất có kinh nghiệm trong việc triển khai các công trình giao thông quy mô lớn theo hình thức PPP.
Sức ép tiến độ
Trong công văn giải trình làm rõ các ý kiến tại Phiên họp toàn thể lần thứ VII hôm 10/5 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I, Bộ GTVT đã giải thích khá rõ lý do Chính phủ quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc chuyển đổi như trên để phù hợp với tiến độ triển khai Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025, nhằm khai thác đồng bộ đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đi trùng 12,6 km với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), gom, giải tỏa hành khách, hàng hóa cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo các nghị quyết của Quốc hội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thì sớm nhất phải đến tháng 3/2024 mới có thể khởi công Dự án, với giả định là lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt (tài chính và kinh nghiệm) và thu xếp tín dụng thành công. Như vậy, Dự án sẽ phải đến năm 2026 mới có thể cơ bản hoàn thành. Trong trường hợp không tìm được nhà đầu tư có năng lực, Dự án sẽ phải mất thêm một năm để tiến hành chuyển đổi phương thức đầu tư.
Ngoài ra, thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức PPP thời gian qua cho thấy còn một số bất cập, cơ quan nhà nước không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công. “Vì vậy, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác, sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước. Hình thức này bảo đảm tiến độ của Dự án và vẫn phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Cuối năm 2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét, trình Chính phủ bố trí 100% vốn ngân sách đầu tư Dự án theo phương thức đầu tư công và thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 để đẩy nhanh tiến độ.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực tiễn cho thấy, việc đầu tư dự án mang tính cấp thiết và quan trọng theo phương thức PPP có thể gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, các tổ chức tín dụng hiện nay khó cân đối nguồn vốn, thời gian thu hồi vốn kéo dài…, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án và chi phí phát sinh cao.
Trong khi đó, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng kết nối trực tiếp với các cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam, nên hoàn thành càng sớm càng phát huy hiệu quả.
“Việc sớm đầu tư, hoàn thành Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ góp phần rất lớn vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung. Đồng thời, bảo đảm kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để hình thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng”, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh.