Khi từng người dân Việt sẵn sàng chọn con đường gập ghềnh hơn để khởi nghiệp, để cống hiến, thì nền kinh tế sẽ không chỉ giữ chân hàng tỷ đô chuyển ra nước ngoài mua nhà, mà sẽ hút các dòng tiền đến sinh sôi. Khu vực kinh tế tư nhân đang chuyển mình vì điều này.
1.
Lúc này, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đang nín thở. Đầu tuần trước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để hoàn chỉnh Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Yêu cầu sửa đổi cũng được nêu rõ là chuyển sang hậu kiểm, quy định cụ thể tại Nghị định việc công bố của doanh nghiệp, hạn chế tối đa các hướng dẫn của các bộ về vấn đề này; thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ngân hàng đã chọn thêm con đường làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao |
Nếu mọi việc được thực hiện đúng như yêu cầu trên, mà chắc chắn phải thực hiện như vậy, thì các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm sẽ không chỉ tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng chi phí cấp Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm đang phải bỏ ra và khoảng thời gian vài tháng theo đuổi thủ tục này.
Quan trọng hơn, các doanh nghiệp này sẽ bước vào các cuộc đàm phán kế hoạch làm ăn một cách đĩnh đạc, tự tin khi không phải bất an đếm ngược thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính mà theo họ, không có tác dụng tăng cường và đảm bảo an toàn thực phẩm, trái Luật An toàn thực phẩm và khác với thông lệ quốc tế về vấn đề này.
Nhưng, mọi tính toán trên đang ở dạng “nếu thì”. Còn hiện tại, như 4 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sau khi hoàn tất các thủ tục về kiểm nghiệm sản phẩm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, tiến hành công bố tuân chuẩn chất lượng sản phẩm, vẫn phải tiếp tục gửi hồ sơ xin xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tới Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế). Các doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi từ 1,5 đến 3 tháng, thậm chí có trường hợp 6 tháng để cơ quan này xét duyệt trên hồ sơ trước khi cấp Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Trong khoảng thời gian này, nhiều đơn hàng có thể ra đi vì đối tác không chờ đợi được.
Và rất có thể, trong tỷ lệ 44% doanh nghiệp nói đã từng lỡ cơ hội kinh doanh do các rào cản pháp lý trong khảo sát Chỉ số niềm tin doanh nhân (CEO.CI) của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), có những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (?!). Nhưng, phần lớn doanh nghiệp vẫn đang kiên nhẫn vừa làm ăn, kinh doanh, vừa kiến nghị chính sách. Tất nhiên, không có sự kiên nhẫn nào không có giới hạn.
2.
Trong căn nhà rộng lớn nằm giữa trung tâm Hà Nội, ông Mai Huy Tân, 70 tuổi đã sẵn sàng cho các chuyến công tác dài ngày… với rác ở Đà Nẵng, sau khi có được trong tay văn bản ký kết 4 bên để triển khai Dự án Nhà máy điện rác công nghệ khí hóa rác hữu cơ ở Đà Nẵng. Dự kiến, Nhà máy sẽ khởi công giai đoạn I vào cuối năm nay ngay trên khu đất của bãi rác Khánh Sơn, phát điện vào năm 2019, công suất xử lý 400.000 tấn rác thải sinh hoạt/năm mà không cần phân loại, sẽ xuất điện là 36 MW/năm và 24.000 tấn than cốc.
Đáng lẽ, ông Tân với khoản tiền thu được từ thương vụ M&A đình đám đúng 1 năm trước, hồi tháng 8/2016, khi Daesang Corp. tại Seoul (Hàn Quốc) sau khi bỏ 32 triệu USD thâu tóm toàn bộ Thực phẩm Đức Việt do ông gây dựng, có thể ung dung với danh xưng “Vua xúc xích” một thời, đầu tư vào bất động sản và an nhàn tận hưởng.
"Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu”.
Trích Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Tôi đã làm như vậy. Đã đầu tư bất động sản và đã định nghỉ ngơi, đi du lịch. Nhưng có đi mới thấy rác sinh hoạt ở các đô thị đang lấn hết đất ở. Nếu không tìm kiếm công nghệ xử lý phù hợp, người Việt Nam sẽ chết trước khi già, chưa nói đến giàu”, ông Tân nói, nhưng cũng để lý giải quyết định khởi nghiệp lần nữa, trong lĩnh vực khó khăn là sản xuất điện từ rác, ở tuổi xưa nay hiếm.
Trong số 4 bên bắt tay vào dự án này, ngoài Công ty TNHH ViDeBridge do ông Tân lập nên, Tập đoàn Intec GmbH (Đức) sẽ cung cấp công nghệ đốt rác thành điện hiện đại nhất thế giới và chưa từng được áp dụng ở châu Á do họ nắm quyền sở hữu trí tuệ, ông Tân đã có được sự chung tay của một tên tuổi bất động sản lớn, Tập đoàn Empire. Đứng đằng sau Tập đoàn Empire là ông chủ Nguyễn Đức Thành - một trong những doanh nhân tư nhân đầu tiên của Hà Nội sau Đổi mới, người làm nên thương hiệu Công viên nước Hồ Tây và giờ đang tạo nên sinh khí mới cho thị trường bất động sản Đà Nẵng với thương hiệu Cocobay.
“Ông Thành rất tâm huyết với dự án này. Ông ấy đầu tư vào bất động sản du lịch tại Đà Nẵng, nên muốn Đà Nẵng phải xanh, phải sạch. Khi tôi trao đổi có mối quan hệ với Tập đoàn Intec – người nắm bản quyền sáng chế công nghệ khí hóa rác thành điện, ông ấy muốn tham gia làm ngay”, ông Tân kể.
Nghe nói, ông Tân cũng đã tìm được đối tác lớn để triển khai dự án tại Hà Nội, cũng là một đại gia bất động sản từ thời đầu Đổi mới, nhưng muốn đi thêm con đường khó khăn hơn, nhưng tạo nên những giá trị lớn lao hơn cho nền kinh tế.
Thậm chí, họ đã bàn tính các nguồn lực để nội địa hóa công nghệ sản xuất điện từ rác với sự hỗ trợ của Tập đoàn Intec, nhân rộng công nghệ “made in Việt Nam” này ra cả nước và xuất khẩu sang các nước ASEAN.
“Chặng đường còn dài, khó khăn nhiều nhưng tôi tin kịp nhìn thấy các nhà máy điện rác công nghệ hiện đại nhất thế giới có mặt ở các đô thị Việt Nam khi còn khỏe”, ông Tân nói.
3.
Đã có những con đường làm giàu rất dễ dàng với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng, như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, sự dễ dãi từ cơ chế xin – cho, từ địa tô, từ các cơ chế hành chính trong phân bổ nguồn lực đang làm mất đi năng lực canh tranh của không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.
“Không người con nào muốn vận động, đi lên nếu được bố mẹ cho nhiều tài sản. Những đứa con thành công thường là những người được tạo điều kiện để phát huy năng lực thực sự của chính mình. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cần điều kiện đó từ môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, không xin – cho”, ông Bình thẳng thắn.
Rõ ràng, doanh nghiệp Việt đã bắt đầu chọn con đường gập ghềnh hơn để kinh doanh, nhưng câu hỏi các doanh nghiệp này có thể trở thành những tập đoàn lớn, có thể cạnh tranh với quốc tế, có thể bán được hàng cho khách hàng thế giới hay có thể xây dựng các khu đô thị, resort cho thế giới hay không thì chỉ riêng doanh nghiệp không thể trả lời.
“Tôi hiểu sâu sắc rằng, sức mạnh của đất nước chính từ những người dân Việt Nam. Vấn đề là mỗi người dân Việt Nam có điều kiện để kinh doanh thuận lợi như tất cả các nước các hay không? Nếu chúng ta có điều kiện kinh doanh thuận lợi như các nước khác, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ có một vị trí xứng đáng trên thế giới”, ông Trương Gia Bình gửi gắm tâm tư.
Tôi cũng đề nghị doanh nghiệp, các hiệp hội cần góp ý xây dựng và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách để chúng ta có môi trường tốt hơn và như tôi nói, chúng ta phải phấn đấu đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường đầu tư thông qua thể chế và chính sách”.
Chính phủ cũng rất mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính, và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu. Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2017)