Doanh nghiệp
Chọn quy mô để “nới” Sân bay Tân Sơn Nhất
Anh Minh - 04/03/2018 08:23
Công ty ADPi (Pháp) - đơn vị tư vấn rà soát quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẳng định, mục tiêu nâng công suất sân bay này lên 50 triệu lượt khách vào năm 2025 là khả thi.

Không nên xây thêm đường băng

Đây là thông tin được ông Vincent Gaubert, Giám đốc dự án, đại diện Công ty tư vấn ADPi Engineering khẳng định tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức giữa tuần này.

Theo phương án đề xuất của Công ty tư vấn ADPi, công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng từ 28 triệu lượt khách (năm 2018) lên 50 triệu lượt khách vào năm 2025.

Cần nói thêm rằng, ADPi là đơn vị được thuê để rà soát, nghiên cứu quy hoạch Sân bay Tân Sơn Nhất và đưa ra các ý tưởng quy hoạch có tính khả thi, đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Trước đó, các đơn vị tư vấn trong nước đã đề xuất với Chính phủ phương án mở rộng sân bay, song vì dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu tư vấn quốc tế để thuê tư vấn hàng không nghiên cứu lại sân bay và đề xuất các giải pháp, báo cáo Chính phủ nhằm có những đánh giá độc lập, khách quan nhất.

Được biết, ngoài việc khuyến nghị không nên xây dựng thêm đường hạ cất cánh thứ 3 để nâng công suất, ADPi đã đề xuất 6 phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm 5 phương án mở rộng về phía Nam, phía Bắc với công suất 50 triệu lượt hành khách/năm và 1 phương án mở rộng về phía Nam, phía Bắc đạt công suất 70 triệu lượt  khách/năm.

Trong phương án kiến nghị lựa chọn, ADPi đề nghị phát triển nhà ga hành khách và dịch vụ thực hiện phía Nam sân bay; phát triển nhà ga hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ ở khu vực phía Bắc.

ADPi dự báo, đến năm 2025, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khoảng 300.000 lượt cất hạ cánh, với khoảng 51 triệu lượt hành khách qua cảng và 960 tấn hàng hóa. Con số này vào năm 2030 tương ứng là 315.000 lượt cất hạ cánh, 55 triệu lượt khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa. Trước mắt, đến năm 2020, tư vấn dự báo số lần cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất là 269.000, với 44 triệu lượt khách và 701.000 tấn hàng hóa.

Cụ thể, đối với khu bay, đề xuất xây dựng 1 đường lăn song song nằm giữa đường CHC 07R/25L và đường lăn W11, E6 hiện hữu; xây dựng các đường lăn nối, thoát nhanh, vòng đảm bảo khai thác tàu bay code E; mở rộng sân đỗ tàu bay đạt 106 vị trí.

Đối với khu hàng không dân dụng, ADPi khuyến nghị xây dựng nhà ga hành khách T3, với diện tích sàn khoảng 200.000 m2, đạt công suất 20 triệu lượt  hành khách/năm; mở rộng nhà ga hàng hóa, suất ăn, xăng dầu... và các công trình hạ tầng kỹ thuật hàng không đồng bộ, đảm bảo nhu cầu khai thác đến năm 2025. Đối với kết nối giao thông, tư vấn đề xuất xây dựng tuyến nối nhà ga T3 ra đường Trường Chinh, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng đường giao thông kết nối các nhà ga T1, T2, T3.

Tổng giá trị khái toán cho phương án này vào khoảng 30.793 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng); diện tích cần bổ sung khoảng 46,2 ha; tiến độ triển khai là 2 - 3 năm cho giai đoạn I và 1 năm cho giai đoạn sau.

Với phương án này, công suất của Tân Sơn Nhất sẽ được nâng từ 28 triệu lượt khách (năm 2018) lên 50 triệu lượt khách vào năm 2025.

“Trên cơ sở tính toán khoa học, với cấu hình hiện tại, chúng tôi khẳng định, chỉ có thể đạt công suất tối đa 50 triệu lượt khách/năm. Nếu muốn vượt lên trên ngưỡng này, phải xây thêm 1 đường CHC mới và phải tăng khoảng cách giữa các đường CHC. Tuy nhiên, khi đó, phải giải tỏa mặt bằng đất dân cư vô cùng tốn kém”, ông Vincent Gaubert khẳng định.

Công suất bao nhiêu là đủ?

Dẫn số liệu dự báo của các tổ chức uy tín (IATA, Boeing, Airbus), TS. Dương Như Hùng (Đại học Bách khoa TP.HCM) thuộc nhóm chuyên gia phản biện tại TP.HCM cho rằng, dự báo tăng trưởng lưu lượng hành khách và hàng hóa qua Tân Sơn Nhất do ADPi lập là “rất thấp”.

Ông Hùng cho rằng, tốc độ tăng trưởng hành khách dự báo trong Quyết định 236/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ban hành là 16%/năm từ nay đến 2020 và trong giai đoạn 2021 - 2025 là 8%, nên không có lý gì Tân Sơn Nhất chỉ tăng 4,5%/năm như dự báo của ADPi.

“Trong trường hợp thực tế khai thác các năm tới (đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2025) cao hơn so với dự báo của ADPi (rất nhiều khả năng xảy ra), thì Tân Sơn Nhất sẽ lại tiếp tục đối mặt với các khó khăn và tình trạng tắc nghẽn…, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của TP.HCM và của cả nước”, ông Hùng phân tích.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân để nghe báo cáo về các phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT tiếp thu những ý kiến đóng góp, trong có ý kiến của các chuyên gia từ TP.HCM về xem xét nâng công suất khai thác Sân bay Tân Sơn Nhất lên 70 triệu lượt khách, trong đó cân nhắc đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh và phát triển thêm cụm hạ tầng, nhà ga ở phía Bắc, sau đó hoàn thiện và trình Thủ tướng phương án mở rộng sân bay tốt nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, ADPi phải lượng hóa ảnh hưởng mở rộng công suất đến môi trường cụ thể như thế nào vì nhà dân sinh sống dày đặc quanh Tân Sơn Nhất. Nếu Sân bay Tân Sơn Nhất tăng chuyến bay, đưa nhiều máy bay lớn hơn vào khai thác thì chắn chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân TP.HCM.

Ông Đông lưu ý tư vấn cần quan tâm thỏa đáng đối với phát triển hệ thống giao thông tiếp cận và phải đặt trong tổng thể giao thông toàn Thành phố khi mở rộng sân bay, bởi nếu mở rộng nhà ga mà không có đường hoặc tắc nghẽn thì việc nâng công suất là vô nghĩa. Đây cũng là quan ngại mà ông Trần Đức Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đặt ra.

“Hệ thống giao thông kết nối cần phát triển đồng bộ, thậm chí là đi trước việc hoàn thành các nhà ga”, ông Trần Đức Toàn nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu ADPi tiếp thu và trả lời đầy đủ các ý kiến phản biện của chuyên gia để làm sáng tỏ vấn đề một cách công khai, minh bạch, qua đó đề xuất phương án tối ưu nhất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tư vấn ADPi cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ phương án đề xuất cho Sân bay Tân Sơn Nhất trên cơ sở cái nhìn tổng thể khách quan, có tương quan phát triển sân bay này với các sân bay lân cận.

“Bộ GTVT kỳ vọng, đây sẽ là ý kiến phản biện quốc tế độc lập, khách quan, toàn diện, không phụ thuộc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tại Việt Nam. Chính phủ, Bộ GTVT muốn có những tư vấn độc lập trong việc rà soát các quy hoạch hiện có, từ đó có giải pháp tối ưu để mở rộng, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tin liên quan
Tin khác