TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của doanh nghiệp FDI vào phát triển kinh tế, nhưng tình trạng chuyển giá của khu vực kinh tế này khiến ngân sách nhà nước thất thu rất lớn, thưa ông?
Đúng vậy, có một thực tế là, số lượng dự án FDI, vốn FDI giải ngân tăng lên hàng tháng, hàng quý, hàng năm, nhưng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Trong rất nhiều năm, thu từ khu vực kinh tế này không đạt dự toán, trong khi khu vực doanh nghiệp tư nhân luôn vượt dự toán, năm sau đóng góp vào ngân sách nhà nước cao hơn năm trước.
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã chỉ ra rằng, hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” của doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Hoạt động chuyển giá nhằm giảm tối đa số thuế phải nộp tại Việt Nam đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc mỗi khi Quốc hội thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước tại mỗi kỳ họp.
Vì vậy, một trong những trọng tâm trong lần sửa đổi Luật Đầu tư lần này hướng đến là ngăn chặn tình trạng chuyển giá ngay từ khâu đầu tư, chứ không phải đợi đến khi dự án đi vào hoạt động mới ngăn chặn.
Theo ông, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khâu đầu tư bằng cách nào?
Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 quy định, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam bằng vốn; thiết bị, máy móc, nhà xưởng, công trình xây dựng khác. Giá trị thiết bị, máy móc dùng để góp vốn phải được tổ chức giám định độc lập cấp chứng chỉ giám định. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác đối với giá trị phần vốn góp của mình. Khi cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài có quyền chỉ định tổ chức giám định để giám định lại giá trị các khoản vốn góp.
Với quy định này, Việt Nam khá thành công trong việc ngăn chặn chuyển giá ngay tại khâu đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2005, khi xây dựng Luật Đầu tư thay Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, thì bỏ quy định này. Vì vậy, tình trạng chuyển giá của khu vực FDI bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng với rất nhiều phương thức khác nhau, trong đó có việc chuyển giá ngay từ khâu đầu tư.
Và hệ quả của chuyển giá không chỉ là ngân sách nhà nước thất thu?
Doanh nghiệp FDI chuyển giá bằng nhiều phương thức khác nhau. Khi dự án đi vào hoạt động, hình thức phổ biến là khai tăng giá nguyên liệu đầu vào, giảm giá sản phẩm xuất khẩu, công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con tại Việt Nam vay vốn với lãi suất cao…
Năm 2015, theo số liệu Bộ Tài chính báo cáo với Quốc hội, cơ quan thuế thanh tra giá chuyển nhượng trong giao dịch liên kết của khu vực doanh nghiệp FDI đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 4.895 tỷ đồng, tăng thu nhập chịu thuế gần 803 tỷ đồng. Năm 2016, truy thu, truy hoàn và phạt trên 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 7.491 đồng, tăng thu nhập chịu thuế gần 3.942 tỷ đồng.
Tình trạng chuyển giá năm 2017, 2018 và 2019 vẫn diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ tiến hành thanh tra 150 doanh nghiệp FDI có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 693,4 tỷ đồng; giảm lỗ gần 2.489 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 2.662 tỷ đồng.
Những con số trên chỉ là chống chuyển giá ở khâu sau, tức là khi doanh nghiệp FDI đã đi vào hoạt động. Còn ở khâu đầu tư, chuyển giá thế nào thì chưa thể đo lường, tính toán được, nhưng chắc chắn là rất lớn, không chỉ khiến ngân sách nhà nước thất thu, mà còn để lại rất nhiều hậu quả khác.
Đó là những hậu quả gì?
Hãy nhìn vào những doanh nghiệp có vốn FDI trước đây là liên doanh, phía Việt Nam tham gia góp vốn chủ yếu bằng giá trị quyền sử dụng đất, còn phía nước ngoài chủ yếu góp bằng thiết bị, máy móc, công nghệ, bản quyền, thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Không ít doanh nghiệp FDI khai khống giá trị vốn góp, nên chi phí khấu hao tăng, liên doanh bị lỗ, phía nước ngoài tiếp tục tăng vốn, còn phía Việt Nam không có vốn để góp, nên đã giảm tỷ lệ sở hữu, mất quyền kiểm soát và phải bán lại phần vốn góp trong liên doanh cho phía nước ngoài.
Hậu quả là hàng loạt khu đất vàng đã lọt vào tay doanh nghiệp FDI. Khi đã sở hữu 100% doanh nghiệp vốn là liên doanh, doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường nội địa, đẩy doanh nghiệp trong nước đã từng có thương hiệu, từng nắm giữ thị phần nội địa ra khỏi cuộc chơi. Các doanh nghiệp nội địa khác muốn nhảy vào cũng không thể tiếp cận được vì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp FDI đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng.
Luật Đầu tư sửa đổi cần có những quy định gì để chống tình trạng chuyển giá ngay từ khâu đầu tư, thưa ông?
Quy định như Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 theo hướng bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế; bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Cụ thể, phải yêu cầu nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ để thực hiện dự án.Và trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ hoặc để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ. Dự án đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ bị chấm dứt hoạt động, nếu thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn.
Đây là vấn đề rất phức tạp, không thể quy định cụ thể, chi tiết trong Luật Đầu tư được, nên căn cứ vào các nguyên tắc này, sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự xử lý hoạt động đầu tư chui, đầu tư núp bóng.