Thời sự
Chống khai thác IUU đã có những chuyển biến tích cực
Nguyễn Lê - 05/10/2023 08:26
Tính đến nay, tất cả các lô hàng thủy sản khai thác được xác nhận cam kết đều được thông quan, chưa có lô hàng nào có vướng mắc hoặc trả về do nguyên nhân xác nhận cam kết IUU.
.

Tình hình chống khai thác IUU sau gần 6 năm bị cảnh báo “Thẻ vàng” đã có những chuyển biến tích cực, theo đánh giá của Chính phủ.

Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản là một trong những nội dung được nêu đậm nét tại báo cáo này, thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông  thôn, các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá.

Theo đó, đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Kết quả rà soát đến tháng 12/2022 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).

Tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép (đang xem xét điều chỉnh hạn ngạch vùng khơi từ 31.297 giấy phép xuống 29.489 giấy phép; vùng lộng là 17.899 giấy phép; vùng ven bờ là 34.929 giấy phép).

Về cấp giấy phép khai thác thủy sản, báo cáp cập nhật, tổng số tàu cá từ 15 m trở lên đã được cấp phép còn hạn là 27.810/29.489 chiếc đã đăng ký và cập nhật lên cơ sở dữ liệu VNFishbase (đạt 94,3%).

 Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, kết quả đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…).

Vẫn theo báo cáo, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA.

Cụ thể là duy trì việc quản lý, theo dõi việc cấp xác nhận cho các lô hàng thủy sản được chế biến thủy sản khai thác nhập khẩu để xuất khẩu vào EU; đồng thời duy trì hoạt động thẩm tra sau chứng nhận, xác nhận đối với các cơ sở chế biến đảm bảo hoạt động truy xuất trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Tính đến nay, tất cả các lô hàng thủy sản khai thác được xác nhận cam kết đều được thông quan, chưa có lô hàng nào có vướng mắc hoặc trả về do nguyên nhân xác nhận cam kết IUU (khai thác bất hợp pháp).

Cạnh đó là tăng cường cơ chế phối hợp trong tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, siết chặt quản lý, thường xuyên kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là nơi có lô hàng bị cảnh báo từ phía EC.

Về ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, theo báo cáo, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Chính phủ cũng thông tin các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm như Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh vẫn còn tình trạng vi phạm như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang.

Chính phủ nhìn nhận, công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Năm 2020 xử phạt trên 2 nghìn vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 là gần 1.700 vụ với tổng số trên 21 tỷ  đồng. Năm 2022 xử phạt gần 1 nghìn vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt trên 13 tỷ đồng.

Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về VMS… Điển hình, ngày 25/4/2023 tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định xử phạt 27 hành vi vi phạm đối với chủ tàu cá Nguyễn Văn Diều với tổng số tiền xử phạt là 2.852.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung theo quy định.

Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng tình hình chống khai thác IUU sau gần 6 năm bị cảnh báo “Thẻ vàng” đã có những chuyển biến tích cực. Trên cơ sở kết quả đợt thanh tra lần thứ 3 (tháng 10/2022), Ủy ban Châu Âu (EC) đã tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam.

Tình hình chống khai thác IUU đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều so với đợt thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019. cụ thể như khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực. Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị VMS đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, báo cáo nêu rõ. 

Thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định PSMA về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước, theo đánh giá của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang cùng với các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tiếp tục khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc chống khai thác IUU, cũng như tăng cường kiểm tra tại các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản để có biện pháp khắc phục các hạn chế, bất cập, sai sót. Chủ động thông tin, trao đổi với các cơ quan của EC, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC để chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 (dự kiến vào tháng 10/2023), Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Tin liên quan
Tin khác