Ngân hàng - Bảo hiểm
“Chóng mặt” vì biến động tỷ giá
Thanh Thủy - 12/05/2024 08:13
Tỷ giá giữa các cặp tiền tệ biến động mạnh thời gian qua tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dù được kỳ vọng hạ nhiệt, nhưng biến động tỷ giá vẫn sẽ là bài toán đầy thách thức với các doanh nghiệp.

“Đau đầu” với nợ vay bằng ngoại tệ

Khởi động tuần đầu tiên của tháng 5/2024, US Dollar Index (DXY) - chỉ số đo sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ 6 tiền tệ đã điều chỉnh đáng kể, thu hẹp mức tăng chỉ còn 3,6% so với cuối năm 2023. Các đồng tiền chủ chốt hồi phục đáng kể so với USD, đặc biệt là đồng yên Nhật, nhờ động thái can thiệp từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, hay một số đồng tiền trong khu vực châu Á như KRW (+0,88%), TWD (+0,68%), THB (+0,78%).

Nhưng, tỷ giá VND/USD chưa hạ nhiệt. Liên tục trong hơn nửa tháng trở lại đây, tỷ giá bán ra tại các ngân hàng lớn đều ở mức “kịch trần” và gần như song hành với các bước đi của tỷ giá trung tâm. Công cụ tỷ giá trung tâm với quy định mức trần - sàn phát huy tác dụng đáng kể trong việc kìm lại đà tăng tỷ giá trên thị trường chính thức. Cùng đó, hoạt động bán can thiệp ngoại tệ cũng đã được triển khai với quy mô được cho là khoảng 500 - 700 triệu USD, theo một báo cáo mới đây của WiResearch (WiGroup). Dù vậy, giá USD trên thị trường tự do vẫn đang có khoảng cách khá lớn với tỷ giá chính thức giao dịch ở các nhà băng.

Tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD mua chuyển khoản đến cuối ngày 8/5 tăng xấp xỉ 4,49% so với thời điểm đầu năm, vượt qua mức tăng ghi nhận trong cả năm 2023 và cao hơn nhiều mức tăng 2,28% trong quý I/2024.

Tương quan giữa các cặp tiền tệ với biến động lớn ở quý đầu năm đã tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, kết quả kinh doanh quý I/2024 của một số doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng USD “đội” thêm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng chi phí vì biến động của tỷ giá. Một số doanh nghiệp lớn ngành điện cũng ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện cao đột biến, cũng bởi đặc thù cần đầu tư lớn ban đầu và vay nợ nhiều, bao gồm cả nguồn vốn vay từ ngoại tệ.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 300 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy, Tổng công ty lỗ chênh lệch tỷ giá gấp 3,3 lần cùng kỳ năm 2023 (hơn 770 tỷ đồng), trong khi giảm hơn nửa lãi chênh lệch tỷ giá. Dù vậy, doanh thu tăng mạnh cùng biên lợi nhuận cải thiện đã giúp lợi nhuận của công ty mẹ Vietnam Airlines tăng trưởng. 

Tuy nhiên, ở không ít doanh nghiệp, đặc biệt là công ty tư nhân, các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã hỗ trợ đắc lực ngăn chặn tác động tiêu cực từ cú nhảy vọt bất thường của tỷ giá thời gian qua. Tập đoàn Masan cũng vay nợ hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ ghi nhận khoản lỗ vì chênh lệch tỷ giá trong quý I/2024 vỏn vẹn hơn 7 tỷ đồng. Lý do là, Masan đã phòng ngừa 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng USD với các điều khoản hợp lý.

Cũng có các khoản nợ lớn bằng ngoại tệ, lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thời điểm quý I/2023 bị “ăn mòn” đáng kể vì khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tới 770 tỷ đồng. Tổng công ty này vay nợ bằng cả đồng USD và yên Nhật. Đồng yên Nhật giảm giá sâu hơn nhiều so với đồng nội tệ của Việt Nam đã kéo tỷ giá VND/JPY giảm 4,32% trong quý I/2024. ACV nhờ đó “ngược dòng” lãi từ chênh lệch tỷ giá ròng trong quý vừa qua tới hơn 100 tỷ đồng. 

Không chỉ tác động đến các doanh nghiệp có vay nợ bằng ngoại tệ, trong bối cảnh tương quan các cặp tiền tệ biến động lớn, các doanh nghiệp có doanh thu nhận về và chi phí thanh toán bằng ngoại tệ cũng phải căng mình tìm giải pháp.

Đối với các hãng hàng không, rủi ro tỷ giá VND/USD và tỷ giá giữa các đồng tiền trên thế giới với USD tác động lớn đến doanh thu và chi phí hoạt động, bởi hầu hết các chi phí lớn như nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng… đều được thanh toán bằng USD. Trong khi đó, doanh thu lại được trả bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau, các hãng bay này cũng có ít nhiều khoản vay bằng ngoại tệ.

Điểm sáng nhóm doanh nghiệp “xuất siêu”

Đối với các doanh nghiệp “xuất siêu” - tức dòng tiền ngoại tệ thu về lớn hơn chi trả, tỷ giá tăng lại mang đến tác động tích cực. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa tổ chức tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, tỷ giá tăng mạnh thời gian gần đây đã hỗ trợ một phần cho hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi doanh nghiệp này có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65 - 70%, nhập khẩu nguyên vật liệu chiếm 35%.

Ngược lại, với nhóm “nhập siêu”, câu chuyện tỷ giá không dễ dàng. Tại Đại hội thường niên vừa tổ chức, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát thừa nhận, doanh nghiệp này bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tỷ giá. Tỷ trọng nguyên liệu đến từ nguồn nhập khẩu khá lớn, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa. Đồng thời, Công ty vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, phải trả lãi và nợ gốc bằng USD hàng kỳ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá ròng hơn 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 68 tỷ đồng.

Biến động lên xuống thất thường của biến số tỷ giá những năm gần đây đang tác động ngày càng nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng, các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ vẫn là điều doanh nghiệp không thể ngó lơ.

Tin liên quan
Tin khác