Cũng trong thời gian này, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 32.817/40.511 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hơn 27 tỷ đồng, 44,7 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân trên 108 tỷ đồng và gần 15 ha đất.
“Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ 2014), với số tiền 40,7 tỷ đồng”, Tổng TTCP, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết thêm.
Kết quả thanh tra, xử lý lý khiếu nại thì như vậy, còn kết quả xử lý thì sao?
Theo Báo cáo về Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 vừa được Quốc hội thảo luận chiều nay thì trong 9 tháng đầu năm, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can (so với cùng kỳ năm trước giảm 61 vụ, 242 bị can); thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà trên 103 tỷ đồng và 2.887 m2 đất.
Trong khi đó, Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ, 697 bị can (giảm 19 vụ, 54 bị can so với năm 2014). Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về các tội danh tham nhũng (giảm 27 vụ, 98 bị cáo so với năm 2014), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,6 %.
“Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng và 2.887 m2 đất”, ông Huỳnh Phong Tranh bổ sung.
Thảo luận về tình hình tham nhũng và chống tham nhũng tại Phiên họp chiều nay, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Quảng Bình bức xúc: “Tham nhũng là vấn đề vô cùng nhức nhối! Đây là một loại "giặc" ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ”.
Ông Phương thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 đã đạt được kết quả nhất định, nhưng chưa hiệu quả vì tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn... “Tội phạm tham nhũng hiện nay có thể nói là xảo quyệt”, đại diện cho cử tri Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Phương bức xúc.
“Nếu có cơ hội, người ta có thể tham nhũng cả tiền chính sách, tiền trợ cấp cho người nghèo, người có công; tham nhũng cả chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách cho thương binh, gia đình liệt sỹ. Bất cứ chỗ nào có sơ hở đều xuất hiện tham nhũng, từ người trông xe, ông gác đền, thủ từ cho tới cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương. Hành vi tham nhũng đã trở nên phổ biến khi tiền tham nhũng được gọi với mỹ từ là tiền bôi trơn, bồi dưỡng. Tham nhũng đã phát triển đến mức ngay cả người muốn thanh liêm cũng bị lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa bắt buộc phải tham nhũng”, ông Phương bức xúc.
Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội |
Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đem bức xúc của cử tri trước nạn tham nhũng lên nghị trường Quốc hội.
“Chính phủ thừa nhận tham nhũng chưa được đẩy lùi. Điều này khiến cử tri hết sức lo lắng và nhiều người đã chất vấn tôi rằng, bao giờ tham nhũng mới được đẩy lùi?”, ông Nhã gửi tới Quốc hội câu hỏi của cử tri - một câu hỏi rất đơn giản nhưng quá khó để trả lời.
“Trong mấy năm gần đây, trong công cuộc chống tham nhũng, chúng ta chỉ mới đang ở giai đoạn "phòng ngự và cầm cự". Tôi đồ rằng, phải năm 2018 mới bắt đầu phản công, sau đó mới đến giai đoạn đẩy lùi”, ông Nhã cho biết ông đã trả lời cử tri như vậy nhưng trong thâm tâm ông cũng chỉ kỳ vọng đến năm 2018 mới có thể phản công được nạn tham nhũng.
Vì sao sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013) mà tham nhũng vẫn “diễn biến tinh vi và ngày càng trở nên phức tạp”? Nguyên nhân, theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa là mức xử phạt tội tham nhũng chưa thỏa đáng, cơ quan bảo vệ thu hồi được tài sản tham nhũng rất ít.
“Chính vì vậy, nhiều người sẵn sàng hy sinh (tham nhũng) đời bố để củng cố đời con”, ông Nghĩa bình luận và kiến nghị dứt khoát không cho tội phạm tham nhũng được hưởng án treo, dứt khoát không thực hiện ân xá, tha tù trước thời hạn nếu người tham nhũng không nộp lại tiền tham nhũng tối thiểu 80%.
Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Đình Nhã cho rằng, hiện có nhiều giải pháp chống tham nhũng, nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật chưa dám làm, như như kiểm soát người làm giàu bất chính.
“Cán bộ, công chức, viên chức hay người có điều kiện tham ô, tham nhũng tự nhiên giàu lên nhanh chóng trong thời gian ngắn, giàu lên mà không thấy có hoạt động đầu tư, kinh doanh nào thì cơ quan nhà nước phải yêu cầu họ giải trình giàu lên từ đâu, bằng cách nào, tài sản được hình thành bằng nguồn nào chứ không được sử dụng biện pháp suy đoán vô tội”, ông Nhã bổ sung.