Thời sự
Chống tham nhũng chính sách sẽ hạn chế cán bộ tham nhũng, tiêu cực
Nguyên An - 25/10/2021 09:18
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chống tham nhũng chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa cán bộ, công chức tham nhũng, tiêu cực.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Chính phủ tiếp tục nhận định, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với chế độ; cùng với ngăn chặn và đẩy lùi, phải tích cực phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Vậy ở góc độ cơ quan lập pháp và giám sát, mỗi đại biểu sẽ góp phần vào việc đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực thế nào cho hiệu quả, thưa bà?

Cuối tuần qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, sau đó đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung này.

Tại Báo cáo, Chính phủ nhận định, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, nhưng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của mỗi công dân, tuy nhiên, với mỗi người ở vị trí khác nhau, thì trách nhiệm này sẽ được thể hiện, phát huy khác nhau. Với đại biểu dân cử, đặc biệt là đại biểu Quốc hội, theo tôi, chống tham nhũng chính sách là quan trọng nhất để ngăn ngừa cán bộ, công chức tham nhũng, tiêu cực.

Khi tổng kết Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cùng lên tiếng và “gửi gắm” Quốc hội khóa mới quan tâm hơn đến việc chống tham nhũng chính sách. Trong chương trình hành động khi ứng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này, rất nhiều vị đã cam kết sẽ tích cực chống tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm.

Hơn 3 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, tôi đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này và cũng từng nhấn nút không đồng ý với một số đề xuất chính sách chưa thực sự minh bạch, có biểu hiện “cài cắm” lợi ích cục bộ.

Trong quá trình lập pháp, một trong những giải pháp quan trọng nhất để chống tham nhũng chính sách là công khai, minh bạch toàn bộ quá trình, từ khi đề xuất chính sách đến lấy ý kiến, thảo luận, quyết định chính sách.

Tôi mong, với những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau tại các dự án luật, cần thiết kế để các phiên thảo luận tại hội trường có phần thể hiện chính kiến của tất cả đại biểu, để cử tri có thể giám sát được, với chính sách đó, ai đồng ý, ai phản đối, càng minh bạch càng tốt.

Khi minh bạch được toàn bộ quá trình làm luật, thì những ý tưởng “cài cắm” lợi ích đến từ đâu sẽ được làm rõ và cơ hội để “cài cắm” sẽ càng ít đi.

Vừa qua, sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm, Trung ương thống nhất, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã được bổ sung chức năng chỉ đạo chống tiêu cực. Phải chăng, đại biểu dân cử cũng cần quan tâm hơn đến phòng, chống tiêu cực?

Tại báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng có một nhận định rất quen thuộc là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Ở đây có nhắc đến tiêu cực, nhưng theo tôi, thì tiêu cực cần được hiểu rộng hơn nữa. Chẳng hạn, ngay ở vấn đề rất thời sự tại kỳ họp Quốc hội này là phòng chống Covid-19, các cơ quan của Quốc hội nhận định, vẫn còn tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, có nơi cố tình áp dụng sai quy định, thậm chí lạm dụng quy định dẫn đến cát cứ, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Hành vi đó không phải tham nhũng, nhưng có khi gây thiệt hại không kém gì tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan hữu quan, bên cạnh những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng đã diễn ra nhiều năm qua như hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, thì cần tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...

Đây cũng là những vấn đề đang được cử tri rất quan tâm và đương nhiên, giám sát của cơ quan dân cử cũng phải quan tâm đúng mức đến những vấn đề đó.

Đặc biệt, ở thời điểm này, Quốc hội cần giám sát đầy đủ, sâu sắc về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 - nghị quyết trao quyền đặc biệt cho cơ quan hành pháp trong chống dịch Covid-19 để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho việc vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, mục tiêu quan trọng nhất lúc này.

Thưa bà, bên cạnh lập pháp, Quốc hội còn có thẩm quyền giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Để ngăn ngừa được tận gốc tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, bên cạnh chống tham nhũng chính sách trong công tác lập pháp, hoạt động giám sát cần được đổi mới như thế nào?

Hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện liên tục, qua nhiều hình thức, bao gồm cả chất vấn là lấy phiếu tín nhiệm những chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo tôi, nếu hai hoạt động này được làm thực chất, hiệu quả, thì sẽ đóng góp rất tích cực vào công tác xây dựng Đảng.

Tôi cũng mong muốn nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ có những đổi mới ở hoạt động giám sát nói chung và trong chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm nói riêng, để hiệu quả giám sát cao hơn. Chẳng hạn, trong chất vấn không cần chọn nhiều vấn đề, nhưng cần đi đến cùng, làm rõ “địa chỉ” trách nhiệm những vấn đề cử tri quan tâm nhất.

Tin liên quan
Tin khác