Thời sự
Chống “tham nhũng chính sách”, quan trọng nhất là minh bạch
Nguyên An - 12/12/2020 16:14
Để chống “tham nhũng chính sách”, trước khi ban hành một chính sách, thì từ ý tưởng ban đầu đến quá trình thẩm tra, phản biện, lấy ý kiến, thảo luận, quyết định đều phải công khai, minh bạch.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đó là giải pháp quan trọng nhất để chống “tham nhũng chính sách”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thủ tướng Chính phủ đã hơn một lần nhấn mạnh, chống tham nhũng nói chung đã quan trọng, chống tham nhũng trong làm chính sách càng quan trọng hơn. Cái cần phải chống ở đây, theo người đứng đầu Chính phủ là lợi ích nhóm, là “quyền anh, quyền tôi”. Là người hiểu rõ quá trình xây dựng chính sách, tham gia góp ý, phản biện nhiều chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh, ông nhận xét thế nào về tình trạng “tham nhũng chính sách” hiện nay?

Tôi không đủ dữ liệu để nhận xét đầy đủ về tình trạng này, song chuyện giành thuận lợi cho mình (cơ quan quản lý nhà nước được giao chủ trì xây dựng chính sách), đẩy cái khó cho người dân và doanh nghiệp, cài cắm lợi ích, hay "quyền anh, quyền tôi" trong làm chính sách như Thủ tướng nêu thì không khó để nhận thấy. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đã đề cập khá nhiều.

Theo quy trình làm chính sách hiện tại, thường là một bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo luật, nghị định, các bộ, ngành có liên quan sẽ tham gia góp ý, và như thế dấu ấn của bộ chủ trì sẽ rõ nét nhất. Mà, có những bộ, ngành thì tinh thần cải cách rất mạnh mẽ, có những bộ, ngành thì ngược lại, nên chuyện "quyền anh, quyền tôi" cũng khó tránh. Nếu chuyện giành quyền cho mình để vụ lợi thì đó cũng có thể coi là hành vi "tham nhũng chính sách".

Vậy theo ông, giải pháp nào là quan trọng nhất để chống "tham nhũng chính sách"?

Một trong những giải pháp quan trọng nhất để chống tham nhũng chính sách là công khai, minh bạch toàn bộ quá trình từ ý tưởng ban đầu đến thẩm tra, phản biện, lấy ý kiến, thảo luận, quyết định chính sách. Ý tưởng chính sách là thế này, thẩm tra, phản biện của các cơ quan là thế này, góp ý là thế kia... kể cả ra Quốc hội thảo luận, ai đồng ý, ai phản đối, càng  minh bạch càng tốt, trừ những văn bản trong danh mục bí mật nhà nước. Khi minh bạch toàn bộ quá trình góp ý, thảo luận trao đổi thì sẽ rõ những ý tưởng cài cắm lợi ích đến từ đâu.

Bên cạnh đó, các cơ quan xây dựng chính sách phải có trách nhiệm giải trình, có thể có những góp ý họ không tiếp thu, nhưng phải có phản hồi là vì sao lại không tiếp thu.

Một giải pháp khác, theo tôi, cũng rất quan trọng, là cần tăng cường tính độc lập cho cơ quan tham mưu, soạn thảo văn bản. Hiện nay, cơ quan đề xuất và soạn thảo hầu hết các chính sách vẫn là Chính phủ. Chính phủ lại giao cho Bộ trưởng chuyên ngành làm Trưởng ban soạn thảo, Bộ trưởng lại giao cho cấp dưới. Và cấp dưới này, hiện nay, phổ biến lại chính là cơ quan đang quản lý trực tiếp, đang có quyền, đang cấp phép. Để những cơ quan này tự nguyện bỏ đi quyền của mình, tìm một giải pháp quản lý có lợi cho người dân, doanh nghiệp và xã hội là rất khó.

Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo nên là vụ pháp chế hoặc viện thuộc bộ, chứ không nên là cục/vụ quản lý chuyên ngành - đơn vị có chức năng quản lý nhà nước khi chính sách được thực thi. Tất nhiên là vụ pháp chế hoặc viện nghiên cứu được giao chủ trì soạn thảo chính sách có thể huy động những người có chuyên môn sâu từ các nơi khác, nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng để hạn chế việc cài cắm chính sách.

Có thực tiễn tốt nào về điều này chưa, thưa ông?

Đã có rồi. Đó là Luật Doanh nghiệp 1999, đơn vị được giao chủ trì xây dựng là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là cơ quan không trực tiếp thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Luật này có tinh thần cải cách rất mạnh mẽ, tháo dỡ nhiều rào cản, trả lại quyền cho người dân và doanh nghiệp mạnh mẽ nhất.

Ngoài ra, cũng có thể áp dụng là các kinh nghiệm lập pháp, thông lệ tốt từ các nước. Trong pháp luật, đặc biệt là pháp luật về kinh doanh có những bộ quy tắc tốt đã được tổng kết, đúc rút trên thế giới.

Hoặc có thể phân tích sơ bộ về chi phí lợi ích của quy định đặt ra có thể nhận diện được phần nào. Từ kinh nghiệm của tôi, thường những quy định nào tạo ra chi phí lớn cho kinh doanh, cho nền kinh tế, cho xã hội, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, mà không rõ mục tiêu quản lý, kết quả quản lý đạt được không thuyết phục thì cũng có thể nhận diện là cài cắm lợi ích. Chẳng hạn, một quy định buộc phải kiểm định, buộc phải kiểm tra chuyên ngành, mà xác suất phát hiện vi phạm cực kỳ thấp như phần ngàn, chục ngàn, trong khi chi phí kiểm định, kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp phải nộp quá lớn thì nên đặt ra câu hỏi về động cơ duy trì những quy định này.

Như trên ông có nói đến tính độc lập của cơ quan xây dựng chính sách. Liên quan đến vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Quốc hội cần chủ trì việc soạn thảo các dự án luật, thay vì để các bộ, ngành chủ trì như hiện nay. Ông nghĩ sao về điều này?

Đó có lẽ là việc của tương lai xa, còn hiện nay, việc một đại biểu Quốc hội hay cơ quan của Quốc hội chủ trì soạn thảo luật vẫn khó có thể thực hiện. Nhưng trong điều kiện đó thì đầu tư hơn cho bộ phận chuyên tham mưu xây dựng và soạn thảo chính sách trong chính các bộ, ngành, kể cả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như đảm bảo tính độc lập cao hơn là điều có thể làm được ngay.

Tin liên quan
Tin khác