Mức đề xuất này khác xa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đề ra là 16,8% và VCCI là không quá 10%.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân cho biết: “Mức tăng này là sự thỏa thuận giữa 2 bên Tổng LĐLĐ VN và Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI), trên cơ sở sự tác động của Bộ LĐ-TB&XH. Điều này cũng chứng tỏ nỗ lực lớn của 2 bên khi cùng đi tới “tiếng nói” chung giúp doanh nghiệp phát triển và đảm bảo đời sống người lao động”.
Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng mức tăng 12,4% đối với đại diện giới chủ là chưa thỏa mãn, vì vượt quá khả năng chi trả khi khảo sát 16 hiệp hội doanh nghiệp của VCCI thì hầu hết ý kiến cho rằng mức tăng hợp lý nhất từ 6-7% và tối đa khoảng 10%.
Doanh nghiệp dệt may được xem là sẽ chịu áp lực lớn về tăng chi phí khi lương tối thiểu vùng tăng |
Với mức tăng này, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã "nhượng bộ", bởi cũng trong buổi thương lượng trước khi chốt phương án, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, trong trường hợp thương lượng không đạt được như mức Tổng LĐLĐ VN đưa ra là 16,8% thì đơn vị này cũng kiên định phải đạt được mức như năm 2015 là khoảng 14,3%.
Theo ông Chính, nếu tăng với mức trên, lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động.
Ông Chính cũng lý giải, tình hình kinh tế đã được cải thiện hơn thời điểm thương lượng mức tăng lương tối thiểu năm 2015 nên không lý gì là không tăng lương tối thiểu trong năm 2016. Tổng kết tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm nay đều thấy những kết quả rất tốt (GDP tăng, xuất khẩu tăng, số các doanh nghiệp hoạt động tăng… Năm nay, Tổng LĐLĐVN không đề xuất mức quá cao, chỉ từ 350.000 - 550.000 đồng.
Đồng quan điểm trên, khi trao đổi với báo giới trước đó, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho biết, quan điểm cá nhân ông mức tăng nên ở mức ít nhất là 14%.
Lý giải nhận định này, ông Thọ cho rằng chỉ khoảng 20% doanh nghiệp có mức lương tối thiểu cao hơn cả mức lương dự kiến tăng còn 80% số người lao động trong tổng số 15 triệu lao động phụ thuộc vào mức lương tối thiểu này. Trong khi đó, mức lương hiện tại không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu sẽ không thể đòi hỏi ở người lao động năng suất, chất lượng.
Ông Thọ còn thẳng thắn bộc lộ quan điểm nếu mức lương tối thiểu chỉ được đề xuất tăng ở mức 11,7-12% thì Tổng LĐLĐVN sẽ bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu nếu hội đồng lấy ý kiến qua bỏ phiếu.
Như vậy, 12,4% là mức thỏa hiệp nhất được các bên đưa ra. Với mức này thì mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đang áp dụng cụ thể vùng I là 3.100.000 đồng; vùng II: 2.750.000 đồng; vùng III: 2.400.000 triệu đồng; vùng IV: 2.250.000 đồng sẽ tăng lên lần lượt là 400, 350, 300 và 250 nghìn đồng cho các vùng.
Ngành dệt may có thể là ngành sẽ chịu tác động lớn khi trước đó, hiệp hội Dệt may đề xuất tăng lương khá thấp là 6-7%.
Ngay sau khi chốt mức tăng lương tối thiểu vùng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: “Mặc dù gánh nặng chi phí với các doanh nghiệp ngành dệt may là rất lớn, nhưng chúng tôi cũng nhận thức được doanh nghiệp phải chia sẻ với các thành viên của Hội đồng tiền lương để đi tới thống nhất vì mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Các doanh nghiệp dệt may sẽ phải hướng tới 3 giải pháp chiến lược là tăng năng suất lao động, đào tạo nguồn lực, nâng cao tay nghề bên cạnh tạo đột phá trong công nghệ và quản trị của từng doanh nghiệp để bù đắp áp lực chi phí này”, ông Giang nói.