Quan hệ thương mại Mỹ - Trung leo thang khi hai bên liên tiếp đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau |
Đầu tháng 5: Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ và Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ dự kiến hoàn thiện các dự thảo luật về tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) giữa công ty nước ngoài với công ty Mỹ và đối phó với việc công ty Trung Quốc thâu tóm các công nghệ nhạy cảm.
Ngày 11/5: Hạn chót để Đại diện Thương mại Mỹ tổng hợp ý kiến công luận đối với kế hoạch đánh thuế trị giá 50 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm linh kiện điện tử, máy móc, tivi và ô tô.
Ngày 15/5: Đại diện Thương mại Mỹ tổ chức buổi điều trần về danh mục thuế quan trị giá 50 tỷ USD. Cơ quan này đã nhận được yêu cầu từ 83 cá nhân và nhóm.
Ngày 18/5: Hạn chót để Bộ Tài chính Mỹ đưa ra những hạn chế đầu tư nhằm đối phó với việc Trung Quốc thâu tóm các công nghệ nhạy cảm của Mỹ (căn cứ theo Mục 301 của Luật Thương mại Mỹ về sở hữu trí tuệ).
Ngày 22/5: Hạn chót để Đại diện Thương mại Mỹ trình các ý kiến bác bỏ thuế quan. Hết thời hạn cho ý kiến về thuế quan.
Ngày 22/5: Hết thời hạn 60 ngày tham vấn để xử lý vụ Mỹ kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với việc Trung Quốc bắt buộc công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Sau đó, Mỹ có thể đề nghị đưa vụ việc ra tòa giải quyết.
Ngày 1/6: Thời hạn mới đối với Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) để có thể đạt được thỏa thuận với Đại diện Thương mại Mỹ về miễn trừ vĩnh viễn đối với thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Ngày 9/6: Hết thời hạn 60 ngày tham vấn về việc Trung Quốc kiện lên WTO đối với việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm. Sau đó, Trung Quốc có thể đề nghị đưa vấn đề ra tòa giải quyết.
Giữa tháng 6: Sau khi phân tích, tổng hợp ý kiến công luận về thuế quan, Đại diện Thương mại Mỹ có thể điều chỉnh danh mục thuế quan. Sau đó, các thuế quan này sẽ sẵn sàng kích hoạt, song thời điểm thực hiện do Tổng thống Donald Trump quyết định.
Chưa rõ thời gian: Đại diện Thương mại Mỹ công bố đề xuất danh sách thuế quan bổ sung trị giá 100 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ sẽ dành 60 ngày để lấy ý kiến công luận trước khi thực hiện.
Ngày 1/7: Luật về quyền đàm phán thương mại nhanh (fast track) hết hiệu lực. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm sự ủng hộ để luật này được gia hạn 3 năm. Thông thường, luật này được tự động gia hạn nếu Quốc hội không phản đối thông qua biểu quyết.
Nửa cuối năm 2018: Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO sẽ xử lý vụ “nền kinh tế thị trường” Trung Quốc. Trung Quốc đang đứng trước thách thức lớn khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định tiếp tục coi Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường khi xác định thuế chống bán phá giá. Mỹ ủng hộ quan điểm này của EU và cũng đối xử với Trung Quốc như một nền kinh tế phi thị trường.