Nhiều căn shophouse tại TP.HCM treo biển cho thuê hàng tháng trời mà không có khách. |
Hết thời “gà đẻ trứng vàng”
Với lợi ích kép, vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, các căn shophouse từng được ví là “gà đẻ trứng vàng” và được giới đầu tư ưa chuộng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường cho thuê shophouse trong các dự án đang có chung số phận vắng khách thuê.
Đơn cử, tại khu Thủ Thiêm, nhà phố dọc theo trục đường Nguyễn Cơ Thạch, đang rao giá thuê 130-140 triệu đồng/tháng, có cam kết giảm giá, trợ giá thuê mùa dịch, nhưng vẫn rất “đìu hiu”, nhiều căn rao mãi không có ai hỏi. Được biết, trước dịch, giá thuê một căn shophouse tại đây lên tới 250-300 triệu đồng/tháng.
Một chủ shophouse cho hay, giá một căn ở khu vực này phổ biến 70-80 tỷ đồng, cho thuê chỉ cỡ trăm triệu một tháng, không bằng 1/3 nếu so với lãi suất tiết kiệm.
Tương tự, các căn shophouse nhà phố thương mại dọc theo trục đường Đồng Văn Cống, giá bán 27-35 tỷ đồng/căn, giá thuê cũng chỉ 30-58 triệu đồng/tháng (tùy mức trang bị nội thất), song không dễ tìm khách. Cả dãy shophouse nối dài chỉ lác đác vài căn được khai thác, còn lại cửa đóng im ỉm, bụi phủ mờ.
Cách đó không xa là những căn shophouse khu Cát Lái, giá chào bán cả chục tỷ đồng một căn, giá thuê dao động chỉ 18-20 triệu đồng/tháng, nhưng không ai thuê.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các sàn giao dịch bất động sản, giá cho thuê của căn shophouse bên dưới những tòa chung cư hiện rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch. Thậm chí có căn chỉ rao giá chừng 20 triệu đồng/tháng, dù diện tích không dưới 60 m2.
Có những căn diện tích trên 100 m2, ở mặt tiền những con đường lớn, giá cho thuê cũng chỉ 25 triệu đồng/tháng. Chưa kể, để hỗ trợ người thuê, nhiều chủ mặt bằng đã giảm giá vài tháng, hoặc miễn phí tiền thuê 1-2 tháng để người thuê tu sửa, trang trí, nhưng vẫn không thể kéo người thuê lấp đầy khoảng trống shophouse.
Vì đâu nên nỗi
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, anh Hoàng Văn Việt, chủ một căn shophouse cho hay, giá thuê đã giảm nhiều so với thời điểm đầu năm 2021, nhưng giao dịch vẫn èo uột. Nguyên do vì từ khi Covid-19 bùng phát lần thứ 4, khách cứ lần lượt trả mặt bằng.
Hơn nữa, các mặt bằng shophouse chủ yếu được thuê để mở văn phòng kinh doanh bất động sản, nội thất, vật liệu xây dựng cao cấp, một số mặt bằng được sử dụng để kinh doanh cửa hàng F&B phục vụ nhân viên văn phòng trong khu vực, vậy nên chỉ ế khách vài tháng là họ phải đóng cửa.
Chung cảnh ngộ, chị Thu Thủy, chủ một cửa hàng tạp hóa ở khu K300, phường 12, quận Tân Bình than thở: “Hàng bán chậm lắm chú à. Dịch bệnh, rất nhiều người ngoại tỉnh rời thành phố về quê, rồi không trở lại. Một số người dân thành phố nay đã thay đổi thói quen mua sắm, cần gì họ đặt hàng online có người ship đến tận nhà nên bán trực tiếp kém lắm. Doanh thu thấp, lãi ít, không đủ bù đắp chi phí nên nhiều người phải chuyển nhượng mặt bằng”.
Đại dịch Covid-19 như một cú hích, đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong các năm gần đây đạt khoảng 30-35%/năm. Số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, hiện có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet, trong đó gần 50% người dùng Việt Nam đã thay đổi thói quen cũ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng. Chính sự dịch chuyển thói quen mua sắm này đã khiến các shophouse không có khả năng sinh lời như trước nữa. Trong khi đó, sản phẩm này vẫn không ngừng được cung cấp ra thị trường.
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, giá trị của shophouse liền thổ phụ thuộc vào một vài biến số. Thứ nhất, là khả năng lấp đầy của toàn dự án phải nhanh. Thứ hai, là dịch vụ tiện ích của dự án phải tốt. Thứ ba, là cộng đồng cư dân nội khu đủ lớn. Thứ tư, là phải có sự kết nối thông suốt, thu hút cộng đồng cư dân bên ngoài dự án.
Do đó, không phải nhà phố nào gắn mác shophouse cũng đều tăng giá tốt hay có thể khai thác cho thuê ổn định. Có nhiều trường hợp nhà phố phát triển đã lâu, nhưng toàn khu không người ở, việc khai thác cho thuê gần như bằng không và tốc độ tăng giá tài sản cũng khá chậm.
“Trước khi chọn mặt gửi vàng, nhà đầu tư shophouse nên thận trọng cân nhắc đến năng lực triển khai của chủ đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng, bởi lẽ nếu doanh nghiệp có đủ tâm huyết phát triển và quản lý dự án tốt thì đầu tư shophouse mới được đảm bảo hiệu suất sinh lời như kỳ vọng”, bà Hương khuyến cáo.