Đầu tư
Chủ đầu tư xem xét, xử lý tình huống khi nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng
Anh Ngọc - 23/12/2019 07:16
Theo quy định, hoạt động đấu thầu là quá trình kéo dài từ khâu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi thanh lý, quyết toán hợp đồng.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Khởi Nguyên đặt câu hỏi như sau: Công ty đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Thời điểm ký hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Thông tư số 07/2016/TT-BXD, Thông tư số 08/2016/TT-BXD, Thông tư số 09/2016/TT-BXD; nội dung hợp đồng thi công xây dựng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước.

Công ty hỏi, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu áp dụng trong việc lựa chọn nhà thầu của một gói thầu trong dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tính đến thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu hay tới thời điểm hoàn thành ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu?

Theo quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu thì nhà thầu không được chuyển nhượng quá 10% giá trị khối lượng công việc được chủ đầu tư giao. Tuy nhiên, mẫu hồ sơ mời thầu theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT thì đang có cách hiểu khác nhau là nếu nhà thầu giao quá 10% nhưng không được chủ đầu tư chấp thuận thì mới bị cấm còn nếu được chủ đầu tư chấp thuận thì không bị cấm.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng của 1 gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình nhà thầu không đáp ứng được tiến độ chất lượng dẫn tới việc chủ đầu tư muốn bổ sung thêm một nhà thầu phụ (không có tên trong hồ sơ dự thầu). Tuy nhiên quy định giữa Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP khác với hướng dẫn tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về việc xử lý bổ sung nhà thầu phụ.

Trường hợp gói thầu có 2 nhà thầu liên danh A và B trúng thầu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng một nhà thầu trong liên danh không thể tiếp tục công việc theo hợp đồng. Vì tiến độ của dự án không thể đấu thầu bổ sung cho phần việc của nhà thầu ngừng hợp đồng, Công ty áp dụng một trong hai cách sau có đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu không?

Cách 1: Thanh lý với một nhà thầu trong liên danh. Sau đó đánh giá năng lực kinh nghiệm và tài chính của nhà thầu còn lại trong liên danh và giao toàn bộ công việc cho nhà thầu còn lại này.

Cách 2: Thanh lý với một nhà thầu trong liên danh. Giao toàn bộ khối lượng các phần việc của thành viên liên danh ngừng hợp đồng cho nhà thầu còn lại nhưng đồng thời bổ sung thêm một nhà thầu phụ để thực hiện một số công việc đã giao cho nhà thầu còn lại (nhà thầu phụ sẽ ký hợp đồng với nhà thầu được giao thực hiện các khối lượng còn lại).

Công ty đề nghị hướng dẫn cho doanh nghiệp áp dụng đúng quy định pháp luật tình huống này

Công ty kiểm toán/kiểm toán viên khi thực hiện hợp đồng kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành thì phải thực hiện các nội dung theo chuẩn mực kiểm toán số 1000 ban hành theo Thông tư số 67/2015/TT-BTC (về trình tự/thủ tục/nội dung…).

Tuy nhiên, trong nội dung của chuẩn mực chỉ đề cập tới việc xác định giá trị quyết toán của hợp đồng phải được xác định phù hợp với từng hình thức giá hợp đồng và các điều khoản cụ thể của hợp đồng, phù hợp với hồ sơ quản lý chất lượng của hợp đồng hoặc hạng mục công trình đó (đoạn 32 chuẩn mực)

Vậy, khi thực hiện hợp đồng kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành thì kiểm toán viên có phải kiểm tra dự toán gói thầu không hay chỉ kiểm tra giá trị quyết toán của gói thầu đó?

Nếu kiểm toán viên phải kiểm tra dự toán gói thầu thì nếu dự toán gói thầu đó có tồn tại (do áp dụng sai định mức, đơn giá, khối lượng...) thì kiểm toán viên có được nêu tồn tại đó trên báo cáo kiểm toán hay không?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Về hoạt động đấu thầu

Khoản 12, Điều 4 Luật Đấu thầu quy định đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Theo đó, hoạt động đấu thầu là quá trình kéo dài từ khâu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi thanh lý, quyết toán hợp đồng.

Quản lý đối với nhà thầu phụ

Khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết.

Khoản 2, Điều 128 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận.

Theo hướng dẫn tại tại Mục 29 Chương I Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt quá tỷ lệ theo quy định tại Mục 29.2 CDNT chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận; trường hợp sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ, ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu mà chưa được chủ đầu tư chấp thuận được coi là hành vi “chuyển nhượng thầu”.

Đối với vấn đề của Công ty, việc quản lý nhà thầu phụ được thực hiện theo quy định nêu trên.

Theo đó, trường hợp phát hiện nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ thực hiện phần công việc ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ kê khai trong hồ sơ dự thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) thì đây được coi là hành vi chuyển nhượng thầu theo quy định tại Khoản 8, Điều 89 Luật Đấu thầu và sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Xử lý tình huống trong đấu thầu

Khoản 11, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu. Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó.

Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu.

Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác.

Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đãng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo đấu thầu; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Đối với vấn đề của Công ty, trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm xem xét, xử lý tình huống theo quy định nêu trên.

Tin liên quan
Tin khác