Đầu tư
Chủ động thu hút FDI thế hệ mới
Hồng Phúc - 18/02/2019 09:06
Với cơ chế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “thế hệ 2.0” đảm bảo sự minh bạch trong chính sách, thắt chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa…, nguồn lực quan trọng này được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng vững.
Thu hút FDI thế hệ mới cần tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài

Ông Choi Heung Yeon, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) tại TP.HCM chia sẻ, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm và đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển mạnh như phân phối, y tế, giáo dục và xây dựng thành phố thông minh.

Nhưng để hoạt động xuất khẩu cũng như mở rộng đầu tư được thuận lợi, vị đại diện này cho rằng, cần xem xét thêm việc Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất nhập khẩu từ chối miễn thuế với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

“Nếu xem xét tình hình sản xuất hàng xuất khẩu thực tế, đây sẽ trở thành vấn đề lớn không chỉ đối với doanh nghiệp FDI, mà với cả doanh nghiệp trong nước”, ông Choi Heung Yeon nói. Theo ông, việc này có thể gây trở ngại cho phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Ngoài ra, Kocham lo ngại, phạm vi đối tượng áp dụng chính sách thuế liên quan đến chuyển giá là quá rộng lớn. Theo quy định, đối tượng phải nộp báo cáo chuyển giá là doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 2,24 triệu USD, giao dịch với các bên liên kết trên 1,35 triệu USD. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp FDI đều thuộc đối tượng này.

Ông Choi Heung Yeon kiến nghị Chính phủ nên tham khảo các nước công nghiệp để xem xét tăng hạn mức lên quy mô hợp lý hơn.

Chủ động dọn chỗ để “phượng hoàng” về làm tổ

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, sự thành công trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ môi trường chính trị ổn định và sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có lợi thế về hạ tầng so với các nước lân cận.

“Một vấn đề cần cân nhắc khi xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư là có nên có chính sách riêng để thu hút các đối tác đặc biệt. Chúng ta chưa kêu gọi được nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở điều hành hoặc trung tâm nghiên cứu phát triển chính tại Việt Nam. Một phần do môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự chín muồi để các tập đoàn tìm đến, một phần do chúng ta chưa có chính sách quyết liệt dọn chỗ thu hút ‘phượng hoàng’ về làm tổ”, ông Lê Thanh Liêm nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Trương Quang Hoài Nam lo ngại, nếu chỉ tập trung xây dựng cơ chế chính sách, mà chưa đảm bảo về hạ tầng cứng, thì khó thu hút vốn FDI.

“Tại sao Air Asia đã có thể mở 2 đường bay thẳng từ Cần Thơ đến Thái Lan và Malaysia trong khi các hãng hàng không lớn của Việt Nam chưa làm được. Ngày Tết thấy dòng người đi từ TP.HCM và Bình Dương về miền Tây hay sau Tết lại ùn ùn kéo lên đi làm mà đau lòng. Làm sao để có chính sách điều tiết “ly nông, bất ly hương”, thì các địa phương sẽ không có sự tranh giành, cạnh tranh quyết liệt trong thu hút FDI, mà cùng nhau phát triển”, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chia sẻ.

Theo quan điểm của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp FDI, để có “phiên bản 2.0” về thu hút FDI, cần tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thu hút FDI theo “chiều ngang”, tức là doanh nghiệp Việt Nam không còn là “nhà thầu phụ”, mà trở thành các đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp FDI ở nhiều lĩnh vực khác.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, FDI là bộ phận hữu cơ, thành viên tích cực của nền kinh tế và Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp FDI.

“Xây dựng các tiêu chuẩn thu hút đầu tư vào Việt Nam thấp thì vô hình trung làm chậm tốc độ phát triển của chúng ta. FDI thế hệ 2.0, hay thế hệ mới, là lực lượng tay nghề lao động cao, với những giá trị gia tăng cao hơn. Việc xúc tiến đầu tư cần chủ động, có mục tiêu để thu hút những nhà đầu tư mà Việt Nam muốn, chứ không phải thụ động, mở cửa thị trường chờ nhà đầu tư đến”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác