Doanh nhân
Chủ tịch AAA: Bảo hiểm là ngành nhân văn
Tăng Triển - 19/04/2012 23:00
  Quan niệm ấy đã đưa cô giáo Đỗ Thị Kim Liên trở thành doanh nhân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm AAA.
TIN LIÊN QUAN

Sau 7 năm hoạt động, dù lợi nhuận còn khiêm tốn, song với Đỗ Thị Kim Liên, giá trị lớn nhất mà AAA có là tạo dựng được niềm tin của khách hàng.

Kinh doanh nhân văn

Đang đứng trên bục giảng, cơ duyên nào đã đưa bà đến với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm?

Tôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục. Theo sự hướng nghiệp của gia đình, tôi thi và học Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Dù rất yêu nghề, nhưng thú thật, câu chuyện cơm áo gạo tiền luôn chật vật, vì đồng lương ít ỏi. Sự khó khó khăn, thiếu thốn về vật chất đã khiến tôi suy nghĩ, mình phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống.

Nghĩ là làm. Sau gần 3 năm đứng trên bục giảng, tôi quyết định vào Nam lập nghiệp. Để kiếm sống, tôi đã làm khá nhiều công việc, trước khi vào làm cho công ty kinh doanh bảo hiểm.

Khi dấn thân vào lĩnh vực này, tôi nhận ra một điều, nếu như nghề nhà giáo là nghề cao quý, thì bảo hiểm là ngành mang tính nhân văn cao, lấy sự may mắn của nhiều người chia sẻ cho số ít người không may mắn. Sau nhiều năm lăn lộn, nhờ nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của nhiều người, tôi đã lập ra Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA.

Những năm qua, “đứa con” đầu lòng ấy của bà đã sống thế nào?

Năm nay, AAA bước sang năm tuổi thứ bảy. Đó là khoảng thời gian không quá dài đối với một doanh nghiệp bảo hiểm. 7 năm qua, chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới phát triển kinh doanh, đặt nền móng cho phát triển bền vững chắc, như đầu tư về công nghệ, đầu tư cho con người, sản phẩm…

Bảo hiểm là ngành kinh doanh đặc thù, kinh doanh có điều kiện, phải trích rất nhiều loại quỹ, dự phòng trước những rủi ro trong hoạt động, nên AAA chưa đạt nhiều lợi nhuận. Nhưng đến nay, thành quả của AAA mà ai cũng nhìn thấy được, là từ một thương hiệu mới mẻ, thương hiệu Công ty đã được nhiều người biết đến, ghi nhận và tin dùng.

Một “lính mới” trong lĩnh vực bảo hiểm như AAA đã xoay sở thế nào với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính vừa qua, thưa bà?

Đối với ngành bảo hiểm, chỉ cần tuân thủ quy định, làm đúng các chức năng của doanh nghiệp bảo hiểm thì các công ty bảo hiểm là “vua” tiền mặt. Do đó, mặc dù có bị chao đảo bởi nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, nhưng đến thời điểm này, các công ty bảo hiểm có mặt tại thị trường Việt Nam vẫn tồn tại khỏe mạnh.

Bản thân AAA, tuy lợi nhuận chưa cao, song chúng tôi vẫn đảm bảo cho cán bộ, công nhân viên trong Công ty được hưởng những chế độ, chính sách phù hợp với quy định của nhà nước, của công ty ban hành; tuyệt đối không nợ lương, giảm lương, cắt thưởng hay nợ phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Bộ Tài chính đang dự thảo nội dung tái cấu trúc để cải thiện sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với AAA thì sao?

Theo tôi, việc tái cấu trúc là cần thiết và cấp bách, nhằm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm. Một doanh nghiệp sau những năm đầu xây dựng bộ máy và cơ cấu hoạt động, đến một giai đoạn nào đó, cũng phải thẳng thắn nhìn lại và tìm ra những lỗ hổng trong công tác quản lý của mình, để có sự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Thời nào cũng thế, đã cương quyết cải cách toàn bộ hệ thống thì không thể tiếp tục chấp nhận tồn tại một bộ máy hoạt động quá yếu kém, mà cần tinh lọc để có được đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, thạo việc, có tâm huyết và lòng trung thành. Vì thế, khi tiến hành tái cấu trúc, khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều trong nội bộ doanh nghiệp.

Tại AAA, chúng tôi đang có kế hoạch ký kết hợp tác với các chuyên gia nước ngoài tham gia huấn luyện, đào tạo đội ngũ lãnh đạo, nhân sự nguồn của Công ty; từng bước thay đổi nhận thức, tư duy và văn hóa ứng xử của cán bộ.

Từ đó, người tư vấn bảo hiểm có thể thay đổi nhận thức của khách hàng, giúp khách hàng có được sự lựa chọn thông minh, đưa ra những kế hoạch chi tiêu hợp lý, mà vẫn đảm bảo được quyền lợi cũng như tài chính của mình.

Ngoài ra, chính sách mới của chúng tôi trong giai đoạn quyết định này còn hướng đến một đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, đó chính là các em bị khuyết tật. Trí tuệ và hoài bão của các em sẽ được AAA chắp cánh, tỏa sáng khi đặt các em vào những công việc phù hợp với khả năng.

Trên tinh thần đó, chúng tôi tuyển dụng 30 nhân sự khuyết tật, đã được huấn luyện chuyên sâu về các nghiệp vụ, hiện các em đang sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào với một quyết tâm cao.

Đây cũng là sự khác biệt mà bảo hiểm AAA đã làm, với mong muốn chia sẻ nhiều hơn nữa cơ hội nghề nghiệp cho các em kém may mắn trong cuộc sống.

May mắn khi được kinh doanh

Ngoài cương vị là một doanh nhân, từ năm 2009, bà được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự của Nam Phi tại TP.HCM. Sau những năm giữ vai trò ngoại giao này, bà có cảm nhận gì?

Tôi có cả niềm vui, lẫn trăn trở. Vui là vì, mình thực sự thích thú với công việc này và ít nhiều đã tạo được nhịp cầu nối giữa các doanh nghiệp giữa hai nước. Song thực tế, vẫn còn những rào cản để việc giao thương giữa hai nước phát triển.

Nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nam Phi và ngược lại rất nhiều, nhưng hiện tại, chúng ta chưa có những thông tin chính thống, nên nhiều doanh nghiệp còn e ngại, chỉ sang tìm hiểu rồi về, chưa quyết định đầu tư.

Vậy lĩnh vực nào sẽ mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam sang Nam Phi, thưa bà?

Đó là nông nghiệp. Nam Phi có đất đai vô cùng rộng lớn, nhưng an ninh lương thực chưa được đảm bảo, do đó, họ đang rất cần sự hỗ trợ từ Việt Nam để phát triển nông nghiệp. Sẽ cực kỳ hấp dẫn nếu chúng ta đưa được những chuyên gia giỏi và nhân lực sang hợp tác, hỗ trợ Nam Phi trồng lúa, làm nông nghiệp.

Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng tiềm năng có thể xuất sang Nam Phi, như gạo, cà phê, hạt điều. Họ thừa nhận gạo Việt Nam ăn rất ngon, nhưng hơi đắt, nên chưa cạnh tranh được vị trí xuất khẩu gạo với Ấn Độ, Thái Lan. Các doanh nghiệp Nam Phi cũng rất quan tâm tới thị trường gỗ tại Việt Nam, do họ có rất nhiều gỗ.

Với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, tôi được biết phía Nam Phi cũng rất chăm chú quan sát chúng ta. Cách thức và kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng của Việt Nam sẽ là cơ sở để họ đưa ra những quyết định hợp tác sắp tới. Tôi hy vọng có thể chia sẻ, trao đổi thêm với họ về điều này.

Trở lại với vị trí một “nữ tướng” trong kinh doanh, có lúc nào bà cảm thấy băn khoăn với những “được”, “mất”?

Tôi quan niệm, nữ giới hay nam giới, đã chấp nhận chọn con đường kinh doanh thì đương nhiên là phải đối đầu với gian nan và vất vả. Đất nước gần 90 triệu dân, chỉ có mấy trăm nghìn doanh nghiệp, tôi tự thấy mình may mắn khi được nằm trong số đó.

Làm kinh doanh, tôi được là chính tôi, được thực hiện những đam mê, biến những ước mơ trở thành hiện thực, được sờ vào những thành quả do chính mình làm ra, được truyền lửa, chia sẻ những thơm thảo cho mọi người. Cái được lớn nhất là tôi được sự tôn trọng của cộng đồng xã hội.

Qua chừng ấy thời gian lăn lộn trên thương trường, bà đã cảm thấy bớt áp lực hơn trước?

Kinh nghiệm trong thương trường sẽ tăng dần theo thời gian, nhưng nếu bằng lòng với những gì mình đã có, nghĩa là ta đang dừng lại. Thỏa mãn chính là kẻ thù trong kinh doanh.

Nhưng tôi cũng không là người thích tự tạo áp lực cho mình, mà luôn tìm giải pháp để giải tỏa áp lực.

Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên:

Sinh tại huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Mê Linh, Hà Nội), là con thứ tư trong gia đình có 6 anh, chị em.

Triết lý sống: bình tĩnh; bình tâm; bình thản; bình thường; bình an.

Tâm niệm: “Cuộc sống không phải là một câu chuyện cổ tích, rất khó để cùng lúc giúp đỡ được tất cả những số phận kém may mắn, nhưng vẫn luôn cố gắng bằng một cách nào đó, làm cho cộng đồng quanh mình tốt đẹp hơn”.

Trong nhiều năm liền, bà Đỗ Thị Kim Liên là doanh nhân nhận Giải Bông hồng vàng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng.

Công ty bảo hiểm AAA và cá nhân bà Đỗ Thị Kim Liên được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Lễ đón nhận Huân chương Lao động sẽ diễn ra ngày 21/4/2012 tại khách sạn Daewoo, 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Mới đây nhất, với mục tiêu tăng cường dấu ấn tại thị trường châu Á, Công ty Bảo hiểm IAG (Australia) có kế hoạch sẽ nắm giữ 30% cổ phần của AAA (trị giá gần 20 triệu USD), sau khi Công ty phát hành thêm cổ phiếu mới, nâng tỷ lệ nắm giữ của AIG tại AAA lên 49%.

Tin liên quan
Tin khác